Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

CÓC CHỜ BẠN

Cóc kia đi chợ đàng xa
Hỏi Cóc có nhớ hang nhà đâu không?
Hôm qua mới họp vui đông
Mà nay lặn hết ra sông, ra ngòi
Hang xưa quạnh quẽ buồn hiu
Cóc tôi ngơ ngẩn chơi vơi lặng chờ
Thân còm tóc bạc bơ vơ
Sầu kia ai điểm đong đưa từng giờ..
VTH

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

CÁI HIẾU CỦA DÂN TÔI - Tập 2

Cảm ơn các bạn đã tham gia đóng góp ý kiến trong tập 1 – Dân Tôi Hiếu Học. Những búc xúc của các bạn nói lên sự quan tâm của mình đến tình trạng học hành hôm nay. Nó cũng nói lên tấm lòng của mình đối với quê hương. Dân ta, trong đó có chúng ta, quả là hiếu học. Đó là một đức tính tốt nhưng mục đích của việc học đang là một vấn đề. Đành rằng học có thể để ấm thân mình như một số bạn đã viết nhưng học chỉ để vinh thân phì gia qủa là đáng buồn.

Nền kinh tế thị trường đang đẩy dân ta chạy theo tiền bạc. Chuyện kiếm tiền là chuyện rất tự nhiên nhưng kiếm tiền bằng mọi cách, mọi thủ đoạn bất kể đạo đức trong giáo dục như hôm nay thật là nguy hiểm và cần phải được xã hội lên án. Theo tôi, đó là cái giá phải trả cho những bước đầu của tư bản chủ nghiã. Hoa Kỳ cũng đã trải qua giai đoạn tồi tệ đó thôi, từ những anh hùng cao bồi của đồng cỏ đến băng đảng mafia của thành phố, từ trấn lột cá nhân tại mỏ vàng đến giật mìn, đốt phá hoả xa có tổ chức của Rockerfeller. Với tinh thần hiếu học, dù méo mó, dân ta sẽ thấy. Có học mới biết, có biết mới sửa. Dân ta sẽ vượt qua cái chuyển mình này của đất nước. Bạn có thể cho là tôi quá lạc quan nhưng phải lạc quan để sống và truyền sức sống cho con cháu ta đi tiếp. Hãy hy vọng và tin rằng dân ta sẽ tự điều chỉnh, tìm lại thực học cho mình để xây dựng quê hương giàu đẹp. Giờ thì xin được viết về tính hiếu hòa  của dân ta.

TẬP 2 – DÂN TA HIẾU HÒA

Cái này có người nói là không đúng. Dân ta hiếu chiến chứ không hiếu hoà. Cứ nhìn lịch sử của mình thì biết, chúng ta có chiến tranh triền miên... Có lẽ cả thế giới chỉ có mình ta. Đánh nhau với Tầu cả ngàn năm, vừa có độc lập lại đánh lẫn nhau – thời Trịnh Nguyễn. Bị Pháp chiếm, đánh nhau với Pháp cả trăm năm, Pháp chưa kịp đi lại đánh Mỹ, hết đánh Mỹ quay lại đánh Khmer đỏ... Chưa biết nay mai chúng ta sẽ đánh gì?

Nguyễn Gia Kiểng trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn kể rằng khi còn bé cô giáo ra đề bài “Hãy chọn một vị anh hùng dân tộc mà em thần tượng và viết tại sao”. Phần lớn học trò lớp ông đã chọn Nguyễn Huệ, người anh hùng đã đánh tan giặc Tàu năm Kỷ Dậu 1789. Lớn lên, ông đi dạy, ra đề bài y như cô giáo đó và phần lớn học trò ông lại cũng chọn Nguyễn Huệ. Du học Pháp về, ông hỏi chuyện các giáo viên và nhận ra đề tài này cũng được đưa ra hàng năm và Nguyễn Huệ luôn về nhất trong tim các em. Theo ông, chúng ta tôn thờ bạo lực, hiếu chiến, đã và sẽ là nạn nhân của bạo lực. Chúng ta đang tự tàn phá quê hương khi theo đuổi ước mơ đó.

Điều này có phần nào đúng. Nếu chúng ta không nam tiến đã không có Trịnh-Nguyễn phân tranh, không Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà, không Nguyễn Huệ Bắc Bình Vương, không Gia Long rước voi về dầy mả tổ rồi Tây xâm lược, Mỹ can thiệp, Tàu lăm le. Được thêm một giải đất mà dân ta trả giá qua bao thế kỷ. Có đáng không? Đây không phải ác lai ác báo thì là cái gì?

Ước mơ hoà bình
Ngược lại, có người nói rằng dân ta hiếu hoà. Cứ nhìn trong ca dao, cách sống, cách cư xử ở đời thì thấy. Chả phải dân ta vẫn khuyên nhau chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành, thôi thì đóng cửa bảo nhau, dĩ hoà vi quý...

Nhẫn nhịn, khoan nhượng là một đức tính tốt. Nhưng những tính tốt ấy có phải lúc nào cũng đúng không? Chúng ta có thể khoan nhượng mãi cả ngàn năm để Tàu đô hộ không? Chúng ta cũng thấy rõ cái hậu qủa của dĩ hoà vi quý trong cơ chế bao cấp, đặc biệt là bao cấp kéo dài sau năm 1975. Hai tệ hại xã hội đã nảy sinh là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm. Một khảo sát của Bungary nhìn lại thời kỳ này của chính họ, đã tổng kết nên 6 nghịch lý mà ta có thể tham khảo :
- Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc
- Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương
- Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống
- Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống
- Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng
- Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý"

Bây giờ mở cửa trong cơ chế thị trường chúng ta lại có thêm hai tệ hại xã hội nữa là nôn nóng kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Bốn tệ hại này phát huy mạnh mẽ từ tính hiếu hoà của dân ta. Bảo nhau nhịn đi để được yên hay dại gì đương đầu với tệ nạn ấy đều là vô trách nhiệm. Chúng ta dùng cái hiếu hoà để biện hộ cho thói vô trách nhiệm của mình.

Tính vô trách nhiệm được thể hiện rõ nét qua cái cười cầu tài, cười vô thưởng vô phạt, vô trách nhiệm mà Nguyễn Văn Vĩnh đã cố gắng sửa sai qua bài viết Gì Cũng Cười như sau:
An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Thói đó vẫn còn và còn mạnh nữa là khác. Có lẽ dân ta khôn ngoan, hiếu chiến khi mạnh và hiếu hoà khi yếu. Không nói đến đạo đức nhưng theo bạn, đó có phải là sự khôn ngoan?

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

CÁI HIẾU CỦA DÂN TÔI - Tập 1

Đã từ lâu tôi muốn viết một cái gì đó về dân tôi cho các bạn tôi đọc để biết mình có gì hay mà phát huy, có gì không hay mà sửa đổi. Mục đích đơn giản là chúng mình giúp nhau vươn lên để cùng ngẩng mặt với năm châu mà mãi đến hôm nay mới dám viết bởi lẽ viết điều không hay thường nghe có vẻ chê bai thì tôi không dám vì chê dân tôi trong đó có tôi mà viết điều hay lại nghe có vẻ nịnh nhau thì ngượng quá đi thôi...

Dẫu sao cũng phải viết và tôi sẽ viết về cái hiếu của dân tôi bằng tất cả tấm lòng và với cái nhìn thật chính xác, trung thực. Nhưng tôi vẫn là tôi, có cái chủ quan của mình nên rất ước mong anh em góp ý kiến. Nếu thấy tôi chê quá đáng, đang miệt thị chính mình thì xin giúp tôi xem xét kỹ hơn. Ngược lại, nếu thấy tôi đang nịnh chính mình thì cũng xin giúp tôi bớt lại, viết cho đúng.

TẬP 1 – DÂN TA HIẾU HỌC

Cái này tôi nghe đã từ xưa, lâu lắm rồi. Hôm nay hình như các cháu còn hiếu học hơn cả ngày xưa. Con đi học suốt ngày từ sớm đến tối, thiếu cả ngủ nói chi nghỉ. Cha mẹ đưa đón, chờ ngay cổng có khi cả ngày xem con học ra sao. Nhiều cha mẹ học chung với con để theo dõi và giúp con cho theo kịp. Nhà nhà học, người người học.. Tôi chưa thấy nơi đâu người ta ham học đến thế.
Dân ta hiếu học
Thoạt nhìn đó là điều đáng khen. Nhìn kỹ lại ta thấy có cái gì đó không bình thường. Sau bao năm học hành như vậy chúng ta được gì? Tôi không dám nói đến giải Nobel nhưng việc học phải đơm bông kết trái chứ. Tôi chưa thấy thành tựu khoa học, văn chương, nghệ thuật nào của chúng ta rực rỡ trên thế giới. Hình như chúng ta học chỉ để chứng tỏ ta có học và có tấm giấy chứng minh mình có học. Học không cần suy nghĩ. Chính vì vậy cái hiếu học của mình không có kết quả như mong muốn. Nó giống như chuyện anh nài ngựa trong Cổ Học Tinh Hoa sau đây.


Ngày ấy có cặp vợ chồng nài ngựa. Họ có đưá con trai bị bịnh nặng suýt chết. Mừng rỡ thấy con mình khoẻ lại, người vợ bàn với chồng đi tìm một con ngựa tốt ở làng bên để làm của cưới vợ cho con sau này. Ông chồng dẫn con trai mình đi và tìm được một con ngựa tốt nhưng hơi gầy vì chủ thiếu chăm sóc. Trả tiền xong hai cha con dắt ngựa ra thì người chủ cũ bảo đường còn xa, hai cha con hãy cưỡi ngựa mà về. Nghe có lý, hai cha con leo lên cưỡi. Đi được một lát, có người tường về ngựa chặn lại bảo ngựa này tốt nhưng cõng hai người sẽ bị kiệt mà hư đi. Nghe có lý, ông xuống dắt để con trai cưỡi ngựa. Đi được một lát qua trường học, có người la lên cha dắt con cưỡi là con hư, con bất hiếu. Nghe có lý, ông bảo con trai xuống dắt để ông cưỡi. Đi được một lát có người làng biết con ông bị bịnh mới khoẻ lại nên trách ông ích kỷ, bất nhân không nghĩ đến con mình. Nghe có lý, ông leo xuống nhưng nhận ra hai cha con ông đã leo lên, leo xuống mình con ngựa đủ cách mà cái nào cũng bị chê cười cả. Ông nghĩ đây là con ngựa xấu bị tà nên đuổi nó đi. Rốt cuộc hai cha con mất tiền bạc, công sức mà chả được gì.

Cái hiếu học của ta là thế đấy. Học đủ thứ, học suốt, hết học Tàu lại học Tây, hết học Tây lại học Mỹ và hôm nay học tất.. Cái gì cũng học, Tàu Tây Mỹ trộn chung cũng học mà chẳng biết nó là cái gì, sẽ ra gì ngày mai? Đáng buồn nhất là sau bao vất vả học hỏi ta chẳng đạt được gì lại không chịu ngồi nghĩ tại sao mà chỉ đổ quanh. Đổ quanh đã và sẽ không giải quyết được vấn đề. Có lẽ tốt hơn là ta đừng học (nói chi hiếu học)! Cũng như ông nài đừng mua ngưạ thì cha con ông đã không khổ sở, mất tiền mất bạc và công sức đến thế. Phải không bạn?

VTH

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Ăn Giỗ Nhà Bạn Nguyễn Đình Hầu

Giỗ là dịp họp mặt người thân trong gia đình, trong dòng họ để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. Đó cũng là dịp họp mặt với xóm giềng, bạn bè cho thêm đậm đà ấm cúng, để tâm tình kể chuyện làm ăn. Là bạn thân, Hầu mời tôi đến ăn giỗ và tôi đã đến để chia sẻ và xin được thắp nén nhang trước vong linh của má anh.
Thắp nén nhang cho người đã khuất
Tôi chợt nhận ra nét đẹp của văn hóa dân tộc. Gia đình nào cũng có một chỗ uy nghiêm để hình người đã khuất. Một bàn thờ nho nhỏ hay một tủ thờ cao lớn cũng vẫn nói lên tấm lòng của mình và hình ảnh người đã khuất trên bàn thờ như nhắc nhở họ vẫn còn đây, theo dõi chúng ta. Khi thắp nén nhang, làn hương khói phảng phất quấn lấy người thắp tạo cho người xung quanh, thường là người thân, chạnh lòng...

Đã mười năm từ khi má mất, Hầu vẫn đau đáu niềm đau. Chắc hẳn trước vong linh má, anh thấy mình phải làm đẹp lòng người đã khuất và tự hứa sẽ giữ gìn gia phong, lo cho con cháu và sống tốt hơn mỗi ngày.
Quyết tâm mới cho ngày mai
Rời phòng thờ, Hầu dẫn tôi ra xem bể bơi anh mới xây cho các cháu nội, ngoại. Ngày giỗ cũng là ngày khai trương bể này cho các cháu. Nhìn các cháu  nô đùa thỏa thích tôi tự nghĩ người khuất nếu quanh quẩn đâu đây hẳn sẽ vui lòng lắm. Còn gì đẹp hơn cái gắn kết giữa các thế hệ mà anh Hầu đang xây đắp? Có lẽ anh đã vái trước bàn thờ và nói với má 'Má ơi, hãy về xem con cháu của má hôm nay.'
Bể bơi mới xây cho các cháu nội, ngoại
Trò chuyện bên bể bơi một lát thì đến giờ ăn giỗ. Chúng tôi vào trong để Hầu tiếp họ hàng, bạn bè. Rôm rả với những khuôn mặt thân quen, chúng tôi trao nhau những câu chuyện vòng quanh gia đình, công việc làm ăn, sức khoẻ. Bữa ăn đơn sơ nhưng đậm đà, thân mật. Rượu bia cũng chỉ vừa đủ để làm vui mọi người. Lễ giỗ lại là dịp để xây đắp và xiết chặt tình thân trong gia đình, bạn bè.
 
Nâng ly chào họ hàng, bạn bè
Tiệc tan nhưng tôi nán lại để được trao đổi thêm với Hầu. Quả thật, đây không phải là lần ăn giỗ đầu tiên nhưng là lần đầu tiên tôi ăn một cái giỗ có ý nghiã. Hình như tôi đã quá vô tình khi đi ăn giỗ trước đây. Tình cảm của Hầu đối với má và những việc anh làm cho má và con cháu đã dấy trong tôi một niềm cảm phục. Cảm ơn Hầu đã giúp tôi thấy được mình phải làm gì để có được những nét đẹp truyền thống của lễ giỗ.
Chia tay sau lễ giỗ
VTH

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

NHỚ TIẾNG HÁT RU

Ngày hôm qua đám giỗ Má tôi, cả Má và Mẹ tôi đã mất , tôi gọi mẹ ruột là Mẹ, má vợ là Má .Tuổi thơ cho tới trưởng thành tôi sống với Mẹ, khi trưởng thành cưới vợ tôi sống với Má . Cả hai người phụ nữ,một người sinh ra lớn lên ở thôn quê miền Trung , một người sinh ra lớn lên ở miền Đông Nam Bộ, hai người hai tính cách nhưng cả hai đều hết lòng thương con cháu , cả hai người đã để lại những.tình cảm và kỷ niệm suốt đời không bao giờ tôi quên được
Hôm qua thắp nhang làm lễ trước bàn thờ Má, tôi thấy mình nhỏ lại, ký ức tuổi thơ sống với Mẹ chợt ùa về . .Quê tôi là một  vùng quê nghèo người dân sống bằng nghề nông nay thuộc huyện Nông Sơn, Nông Sơn được cả nước biết đến qua vụ chìm đò kinh hoàng năm 2004 ở bến Cà Tang  làm chết 18 cháu học sinh .
 Tôi nhớ, quê tôi vì sống bằng nghề Nông nên tất cả phụ nữ trong làng  đều dậy sớm lo cơm nước rồi ra đồng . Trưa về nghĩ tại nhà ,  những người phụ nữ có con nhỏ thường ru con ngủ trước khi đi làm tiếp buổi chiều .
Ký ức tôi nhớ lại , hình như các bà Mẹ gởi gắm hết tình thương con , trãi lòng vào tiếng ru, nên tiếng hát ru của bà mẹ nào cũng hay và vang xa .
Các bà mẹ ru con bằng các câu thơ lục bát hoặc song thất lục bát .  Có thể là câu ca dao, hoặc vài câu thơ mà người ru chỉ nhớ lời thơ chớ không biết ai là tác giả , những lời ru bây giờ tôi còn nhớ :

Ngó lên Hòn Kẽm , Đá Dừng,
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi .
Thương cha nhớ mẹ thì về,
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng .

Gió lay bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ .
.........

Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .
.............

Tóc mẹ già phơ phơ đầu bạc,
Con chàng còn trứng nát thơ ngây,
Có hay chàng ở đâu đây,
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng .

Thời cuộc ly loạn tôi theo cha mẹ rời quê ra đi, lâu lắm rồi tôi không còn được nghe được những lời ru con của các bà mẹ , tuổi thơ ngày xưa của tôi dù lam lũ , nhưng hạnh phúc, hạnh phúc sống trong cảnh thanh bình êm ả, không vội vã đua chen như bây giờ , nuối tiếc nhưng không tìm lại được

Câu thơ lục bát quê hương,
Ru con mẹ hát con thường lắng nghe .
Nhớ sao những buổi trưa hè,
Tiếng ru hòa với tiếng Ve ngọt ngào .
Bây giờ tìm ở nơi mô,
Tiếng ru của mẹ thuở nào mẹ ơi !
                           NĐH