Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Mừng Bạn Bên Ta


Nghe đi bịnh viện tớ ghé nhà
Ai dè bạn khoẻ cười ha ha...
Tay bắt sức già vươn sung mãn
Vai ôm nhiệt huyết chảy chan hoà
Hỏi thuốc, hỏi men suy bịnh lý
Xem mày, xem mặt đoán y gia
Chắc rằng cũng thọ hơn trăm tuổi
Để còn thơ thẩn mãi cùng ta
VTH

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Mừng Giáng Sinh & Năm Mới

Thân chúc anh em Cao Thắng và Gia Quyến
Mùa Giáng Sinh An Vui &
Một Năm Mới Tràn Đầy Hạnh Phúc

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Đón Xuân Sapa


Trời xanh sao quá đỗi cực đoan
Cuối năm đem giông bão phũ phàng
Tháng trước mưa tuôn như thác lũ
Tuần này tuyết phủ ngập cả gang
Khách du tìm đến vui cảnh đẹp
Bàn dân muối mặt nhận cơ hàn
Đất nghèo đã khổ càng thêm khổ
Còn gì no ấm đón xuân sang!
VTH

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Tin Buồn

Nhận được tin buồn thân phụ hai bạn đồng môn Cao Thắng Đặng Trung Hưng và Đặng Trung Khanh (CT71-76) là cụ ông Đặng Tín vừa mãn phần tại Philadelphia, NJ ngày 14 tháng 12 năm 2013, hưởng thọ 87 tuổi. Tang lễ sẽ được cử hành tại Philadelphia ngày 20 tháng 12 năm 2013.

Thay mặt các bạn Cao Thắng tại Việt Nam, xin chia buồn cùng Đặng Trung Hưng - Đặng Trung Khanh cùng toàn thể gia quyến. Nguyện xin hương linh của Bác sớm siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Một Chuyến Đi - Nhiều Suy Nghĩ

Ghé Vinpearl Land trên đất Nha Trang, tôi thật ngỡ ngàng khi nhận thấy có nhiều bất ngờ đến vậy. Bất ngờ không chỉ ở cái đẹp của Nha Trang, của hòn ngọc Vinpearl mà còn của tất cả những tấm lòng, những cố gắng mỗi ngày của từng con người đang tô bồi cho quê hương giàu đẹp - cả về vật chất lẫn tinh thần.

  • Vinpearl Resort rộng chỉ có 20 mẫu trên đảo Hòn Tre nhưng được thiết kế chuẩn chu cho mọi sở thích vui chơi trong nhà, ngoài trời, trên bể, dưới nước... Khách qua đảo bằng phà, ca-nô, cáp treo. Lên đảo khách di chuyển bằng xe túc túc, hoạt động 24/24. Mọi phương tiện dịch vụ chuyên chở là sở hữu và quản lý bởi Vinpearl. Ngoài vui chơi, Vinpearl còn có sân golf, khu nghỉ dưỡng, gym, spa, hội nghị, vũ trường và khách sạn 5-sao. Tất cả đều sạch sẽ, tiện nghi thuộc hàng đẳng cấp quốc tế.
  • Giá trị của Vinpearl không phải ở vật chất mà ở địa thế và con người. Bờ biển Nha Trang đẹp nổi tiếng trên thế giới và Hòn Tre là hòn đảo lớn, đẹp nhất vịnh Nha Trang. Vinpearl  có khoảng 2000 công nhân, phần lớn tốt nghiệp đại học. Họ siêng năng, nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm trong công việc. Cả khu resort không một cọng rác, hoạt động ngày đêm, quản lý nhẹ nhàng, thông minh, chặt chẽ. Khách phần lớn là người Việt nhưng tự giác, có phong cách, biết giữ sạch sẽ, tôn trọng môi trường và cả lẫn nhau!
  • Vinpearl thuộc tập đoàn Vingroup của Việt Nam. Tổng số vốn lúc thành lập năm 2011 là 50 ngàn tỉ, khoảng 2.4 tỉ đô. Chủ tịch hội đồng quản trị và nắm phần lớn cổ phần của Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng, 48 tuổi, quê Hà Tĩnh. Ông du học ở Nga, qua Ukraine mở xưởng sản xuất mì gói. Năm 1993 bán xưởng ông đầu tư vào bất động sản ở Ukraine. Năm 2009 ông về Việt Nam đầu tư và trở thành tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Tạp chí Forbes đặt ông ở vị trí 974 của những người giàu nhất thế giới năm 2013 với tổng tài sản 1.5 tỉ đô.
  • Tạo công ăn việc làm cho hàng vạn công nhân, Vingroup còn mở quỹ Thiện Tâm, một tổ chức phi lợi nhuận với số vốn ban đầu là 700 tỉ, nhằm giúp đỡ các địa phương nghèo trong giáo dục, y tế, khắc phục thiên tai. Năm 2007 Phạm Nhật Vượng thăm Hà Tĩnh đã đóng góp 18.5 tỉ để xây dựng trường dạy nghề và mầm non cho quê nhà.
  • Vài hàng chia sẻ với các bạn. Tôi rất xúc động và ngưỡng mộ những con người như Phạm Nhật Vượng, thế hệ 6x tha phương cầu thực đã trở về, gầy lại tin yêu trong hoang tàn mất mát của Đất Mẹ hôm nay. Bạn nghĩ thế nào?
    VTH

    Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

    Gởi CHS

          Chấm hỏi thì to hơn chấm than ?
          Hỡi người Quân tử thích đa đoan
          Chết cho tử tế là chấm hết
          Chấm hỏi dành cho cái chết " oan "
          Chết uổng người cười là chấm ( sic )
          Chấm chấm ... thương ôi phận lỡ làng
          Câu văn chưa chấm , là chưa hết
          Chấm hỏi làm gì hỏi chấm than
              VHĐ (uống say gởi bạn )

    Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

    Họp Mặt 07/12/2013



    Lâu lắm chúng mình mới gặp nhau
    Tóc xanh giờ đã trắng mái đầu
    Trò chuyện râm ran thời hoa gấm
    Vui buồn rôm rả thuở chúc ngâu
    Bức tranh thư pháp ghi dăm chữ
    Sưu tập đặc san viết ít câu
    Tất cả như cố gìn yêu dấu
    Cho tình Cao Thắng mãi mai sau
    VTH

    Dấu Chấm Than

             Gần đây có nhiều người chết , những cái chết được nhiều người biết đến như một sự kiện .
             Mà tụi mình thì đã qua đỉnh dốc của cuộc đời , cũng đủ để thấm với Nguyễn tất Nhiên :
                           ....
                           Mỗi lòng người một lý lẽ bất an
                           Mỗi cuộc chết có một hình thức khác....
             Mình loay hoay được vài câu , mong được các bạn chia sẻ :
                  
                    Dấu chấm than
              Không ai chọn được cửa sinh ra ( * )
              ( Cũng chẳng ai chọn được ngày để chết )
              Mỗi một đời người , chết là chấm hết
              Một cuộc sinh tồn , thiện - ác đan xen

                    Đại nhân kia - Rồi cũng xuống đất đen
                    Các kiểu chết - Cũng cùng về cát bụi
                    Bia mộ , tượng đài... nhiều trò rắc rối
                    Thơm là thơm - và thối cũng nghìn năm
                 
              Chết thì thôi - Sao không thế mà nằm ?
              Còn gắng đem theo giấc mơ hoành tráng
              Chết là xong ! Thôi rồi một mạng
              Dẫu hàng vạn người đưa , hay chẳng một cành hoa

                     Câu nói còn kia - Hùm chết để da ....
                     Nếu chẳng lưu phương - cũng đừng nên lưu xú
                     Có giấc mơ nào ? Cả đời luôn ấp ủ
                     Cũng chẳng còn mong - Việc bại hay thành

              Có còn chăng ? Là một chút tự danh
              Công và tội , do đời sau chiêm nghiệm
              ( Ôi tội và công , tiêu chuẩn nào đo đếm...
               Đảo ngược lẫn nhau , ôi khái niệm mỗi thời )

                    Và cuối cùng là tôi tự hỏi tôi
                    Sẽ còn làm được gì , trước khi chấm hết
                    Và ai quanh mình , làm gì khi chưa chết
                    Để chết rồi , còn để lại dấu chấm than .

                                VHĐ
                                                            ( * :  Võ văn Kiệt )

    Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

    Tìm Nhau


    Bạn bè chung lớp có mấy thằng
    Tìm nhau họp lại hỏi lăng nhăng
    Vợ chồng con cái cười hay khóc?
    Sức khoẻ tiền tài được hay quăng?
    Hỏi là hỏi vậy lo sao được...
    Nghe là nghe thế có mần răng!
    Cố vui sẻ bớt niềm tâm sự
    Nay mai biết nữa có còn chăng?
    VTH

    Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

    Mưa Tây Nguyên

    Bạn bè gọi tôi hỏi sao lâu quá không có bài gì mới. Ừ nhỉ, cũng đã cả tháng nay tôi không viết mà cũng chẳng có ai viết cả. Mình không viết thì hỏi ai, bạn nhỉ? Vì vậy, tôi đang viết đây mà thật lòng chẳng biết viết gì... Thôi thì đầu nghĩ đến đâu, tay viết đến đó. Nếu ai có trách tôi viết không đầu, không đuôi thì mong bạn ấy thông cảm đây là cố gắng lấp khoảng trống bài vở hôm nay nhé!

    Trước hết tôi tự hỏi sao mình không viết được cả tháng nay. Lý do thì nhiều nhưng chính là tại bận (ai chả thế!) và vì trời! Sao lại vì trời? Vì trời mưa bạn ạ. Trời mưa nên người buồn, phố buồn như tôi đã viết trong bài Thành Phố Buồn ấy. Chả phải Nguyễn Du đã nói người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ sao? Buồn thì không có hứng để viết mà viết không có hứng thì ý rời rạc, chữ lộn xộn... Nghĩ đâm ngán không muốn viết và làm khổ người đọc!

     Sài Gòn mưa ngâu
    Vũng Tầu mưa bão
    Ôi sao ảo não
    Đi đâu cũng rầu!
    Tôi quyết định đưa vợ đi Tây Nguyên thăm bạn bè. Đi để đổi gió, quên sầu. Lên Đắk Nông trời lại mưa tầm tã, ghé Ban Mê mưa rỉ rả suốt ngày... Qua Nha Trang trời cũng mưa ròng rã, xuống Cam Ranh mưa xối xả thâu đêm... Chuyến đi dự định hai tuần rút lại bốn ngày toàn ăn với nhậu, ca hát cho quên trời, quên đất! Chả đi đâu ra ngoài được cả. Chính vì về sớm nên tôi có giờ rảnh viết cho anh em. Có bài viết hôm nay cũng là nhờ trời đấy. Trời mưa trên Tây Nguyên, bạn ạ!

    Viết đến đây thì nhận ra bài cũng đã đủ dài mà lòng cũng vơi bớt tâm sự với bạn bè. Tôi xin được tạm dừng ở đây và chọn tựa đề cho bài viết... Gọi là gì bạn nhỉ?  Mưa Tây Nguyên nhé!
    VTH

    PS: Một vài tấm hình kỷ niệm trên Tây Nguyên chia sẻ với các bạn...
    Nhà thờ Đắk Nông  
    Đêm văn nghệ gia đình
    Bà cụ đã 82 nhảy tango với con gái

    Ngã 6 Ban Mê Thuật

    Nâng ly hội ngộ

    Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

    Đặc San Cao Thắng 76

    Đặc San Cao Thắng 76
    Như thông báo, bài vở cho Đặc San đã được khóa sổ ngày 15/10/2013 và sẽ được in ra để lưu hành trong nội bộ thân hữu.

    Vì bài vở có nhiều hơn dự kiến, Đặc San đã được chia thành hai tập và ngày phát hành được dự trù vào thứ năm 31/10/2013. Trong khi chờ đợi bản in, các bạn có thể xem tuyển tập điện tử bằng cách bấm vào link dưới đây:
    1. Quê Hương và Tuổi Trẻ
    2. Lao Xao Tuổi Chớm Già
    VTH

    Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

    Thành Phố Buồn...

    Mấy bữa rày mây mù không nắng
    Thành phố buồn phố vắng người thưa
    Trời buồn buồn quá đổ mưa
    Ta buồn lấn lá đợi mưa dứt sầu!

    Mưa cuối mùa ào ào không ngớt
    Đường Sài Gòn ngập nước đến hông
    Xe nằm la liệt chất chồng
    Làm sao đợi nữa... lội sông mà về!

    Lối lần về lê thê thấp thỏm
    Biết chỗ nào lỗ cống hố mương?
    Chỗ nào cây đổ dây vương?
    Chỗ nào hầm mở vô thường đợi ta?

    Gần đến nhà tưởng là đã khoẻ
    Nước tràn lên chảy rẽ quá sân
    Vội vàng xắn áo, xắn quần
    Kiếm thùng tát nước tát dần cho vơi...

    Trời cứ thế lệ rơi không dứt
    Mặc ta đây búc xúc từng giờ
    Phố buồn buồn chẳng như xưa...
    Người buồn buồn giữa cơn mưa Sài Gòn!
    VTH

    Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

    BIẾT YÊU KHI NÀO

    Nhớ thuở khi tôi học vỡ lòng
    Có lẽ lúc vừa tuổi lên năm
    Buổi đầu đến lớp xa xưa ấy
    Gặp một cô em cũng vỡ lòng

    Thoạt nhìn cô bé tự nhiên thương
    Về nhà hình bóng mãi vấn vương
    Nếu không gặp mặt là nhung nhớ
    Dù chẳng biết gì chuyện yêu đương

    Vào lớp nhiều khi len lén nhìn
    Cái gì cô ấy cũng quá xinh
    Làm cho loạn nhịp tim non dại
    Có biết đâu tôi đã vướng tình

    Cũng nhớ cũng chờ cũng đợi mong
    Hình bóng cô em kín ở lòng
    Mỗi lần nhớ lại sao thương quá
    Yêu khờ yêu dại tuổi trắng trong
                                  NĐH

    Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

    Khi Yêu Đừng Hỏi Tại Sao

    Bao năm rồi? Mấy chục năm rồi nhỉ?
    Ánh trăng đêm rằm chinh phục ta đây
    Mang ta về tâm trạng thuở thơ ngây
    Phút giây ngày đó đâu? Nào ai biết!

    Buổi đầu rụt rè hằn sâu tiếng sét
    Chân theo người khi nhịp đập liên hồi
    Tim vụn vỡ da diết mãi không thôi
    Tình huống ấy vô tình hay cố tạo?

    Lâng lâng mắt sáng đi tìm khúc dạo
    Ta sẵn sàng nô lệ chết vì người
    Mơ hình bóng ai trong giấc ngủ vùi
    Hỏi tại sao đành lặng câm không biết

    Xin đừng hỏi vì sao, vì sao hết
    Cuộc sống ta đang xáo trộn từng ngày
    Khoảnh khắc cô đơn tan biến mất ngay
    Len lén nhìn sâu khối tình khờ dại

    Đánh mất mình như không còn tồn tại
    Giữa trời mênh mông trơ trọi riêng xa
    Có lẽ người là khoảng lặng trong ta
    Và yêu không biện minh hay lý giải

    Khi yêu xin đừng hỏi tại sao phải...
    Ta yêu người luôn yêu mãi, thế thôi!

    NTKH  CT5

    Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

    ĐẶC SAN CAO THẮNG 76

    Để kỷ niệm năm năm ngày thành lập trang Cao Thắng 76, anh em biên tập quyết định gom bài vở và phản hồi đã đăng thành một tuyển tập với tựa đề:

    Đặc San Cao Thắng 76
    Tập 1
    Lao Xao Tuổi Chớm Già

    Vì là tuyển tập nên bài vở sẽ được chọn lọc và chia thành từng chủ đề. Ngày khóa sổ bài vở sẽ là thứ hai 30/09/2013 thứ ba 15/10/2013.

    Đặc san ấn định dày khoảng 200 trang và được in ra để lưu hành trong nội bộ bằng hữu. Anh em nào có nhu cầu xin liên lạc với ban biên tập qua caothang76@gmail.com để tiện việc ấn loát.

    Ngày phát hành tuyển tập được dự trù vào thứ năm 31/10/2013. Mọi ý kiến, yêu cầu đóng góp xin gửi về caothang76@gmail.com hoặc đưa vào nhận xét ở phần dưới trang này.

    Thay mặt ban biên tập tôi xin trân trọng thông báo.
     VTH

    Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

    NHƯ ÁNH SAO BĂNG

    Chuyện đời sao lắm nỗi trớ trêu
    Tim lòng vừa mở chưa kịp yêu
    Tình riêng đã lỡ theo thời cuộc
     Đẩy đưa ai đến ngõ đìu hiu

    Rồi xa xứ mưu tìm sự nghiệp
    Lời yêu chưa ngỏ đã chia tay
    Ôm hình bóng trong tim thổn thức
    Vật lộn mưu sinh quên tháng ngày

    Cũng đành chấp nhận nghiệt ngã thôi
    Vô vọng buồn chán một kiếp người
    Đường thiên lý gặp cô gái nhỏ
    Đem lòng thương mến chăm sóc tôi

    Người yêu chưa hẳn đã hơn vợ
    Tình nàng ấm áp luôn yêu chiều
     Gia đình hạnh phúc cùng con nhỏ
     Trong tôi man mác mổi buổi chiều

    Êm đềm cuộc sống cứ dần trôi
    Con lớn dựng xây gia đình rồi
    Giờ thông thả cố tìm quê cũ
    Tim buốt nhói thấy dáng xưa đây

    Lòng đau khiến cố nhân gặp lại
    Quay quắt người xưa cứ dạt dào
    Tiếng nói con tim... Ôi ! mạnh mẽ
    Biết rằng chẳng được hẹn kiếp sau

    Từ lâu lối rẽ đã chia hai
    Người bên chồng hạnh phúc từng ngày
    Tình đơn phương mình tôi ôm mộng
    Với nàng xưa chỉ bạn mà thôi

    Tôi muốn ngỏ lời chưa kịp nói
    Nàng bâng quơ khỏa lấp ngây thơ
    Còn hẹn kiếp sau nàng xin khất
    Chẳng dám vương mang tình mộng mơ


    Đặt mình vị trí cô vợ anh
    Biết tim ai hai lối song hành
    Quặn thắt lòng đau cho số phận
    Chồng mình ôm ấp bóng ngày xanh

    Phải đâu vợ vô tình không hiểu
    Vì yêu chồng mù quáng đa mang
    Cùng ai nguyện trọn đời chung thủy
    Hạnh phúc ngập tràn mộng mông lung

    Thương xót thay trái tim tật nguyền
     Mang cho vợ giấu cả niềm riêng
    Bật khóc rùng mình nghe cay đắng
    Bóng xưa in đậm trái tim chồng

    Chăn gối bao năm hình chỉ mượn
    Hãy nghĩ cho vợ mà yêu thương
     Đừng tình cũ không rủ cũng đến
     Đổ thừa con tim lý lẽ riêng

    Chớ làm cuộc sống thêm chông chênh
     Nhốt tim yên ngủ không hớ hênh
    Chôn vùi dĩ vãng vào quên lãng
    Mái ấm gia đình hết chênh vênh
    NTKH - CT5

    Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

    LÀ THI SĨ...

    Từng đọc và rất thích thơ của Xuân Diệu, tôi cho rằng làm thơ phải lãng mạn nhưng tình cờ đọc bài thơ dưới đây của Trường Chinh tôi cảm thấy mình đã quên mất sức mạnh ý nghĩa của thơ ca. Xin trình làng bài thơ Là Thi Sĩ để chúng mình chia sẻ...

    Nếu "thi sĩ nghĩa là ru với gió,
    Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây",
    Ðể tâm hồn treo ngược ở cành cây
    Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu;
    Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu,
    Nghĩa là van Thượng đế rủ lòng thương,
    Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương,
    Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ;
    Nếu thi sĩ vùi đầu mài miết tả
    Cặp "tuyết lê" hồi hộp trước tình yêu,
    Cho cuộc đời là mộng ái cao siêu,
    Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc;
    Nếu thi sĩ nghĩa là đem gấm vóc
    Phủ lên trên xã hội đã điêu tàn,
    Véo von ca cho át tiếng kêu than
    Của nhân loại cần lao đang giãy giụa;

    Thì bạn hỡi, một nhà thơ như rứa...
    Là tai ương, chướng họa của nhân quần,
    Nhọc tơ lòng mà phí cả ngày xuân
    Ðể ca ngợi bất công và tàn ngược;
    Uốn gối trước cường quyền và mong được
    Lượm hương thừa, phấn thải để qua ngày;
    Khiến loài người đắm đuối và mê say,
    Sống thoi thóp dưới gông xiềng nô lệ.

    Không, không được! Hỡi các nhà văn nghệ,
    Các nhà thơ yêu dấu của đồng bào,
    Các nhà thơ trong sạch và thanh tao,
    Hoa thơm ngát trong vườn xuân đất Việt!
    Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
    Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;
    Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
    Yêu nhân loại, hòa bình và công lý
    Cao giọng hát những bài ca chính khí
    Của anh hùng đã vì nước quên mình,
    Sống quang vinh mà chết cũng quang vinh,
    Của Bãi Sậy, Thái-nguyên và Yên-bái...

    Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới
    Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch - đằng,
    Ðể tâm hồn dào dạt với Chi-lăng,
    Làm bất tử trận Ðống - đa oanh liệt,
    Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết,
    Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông;
    Thả trái tim hòa nhịp với Ðô-lương,
    Với Lục-tỉnh, Bắc-sơn và Ðình-cả.
    Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa
    Cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu
    Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu,
    Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ.
    Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
    Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền,
    Và lúc cần, quẳng bút lấy long tuyền
    Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!
    Thời rượu nồng, đệm gấm đã qua rồi.
    Thôi thôi đừng khóc gió với than mây,
    Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ.
    Dùng thi khúc mà lạnh lùng soi tỏ
    Những bệnh căn xã hội đã tràn đầy;
    Cùng công nông vun xới cuộc tương lai
    Ðã chớm nở từ Liên-xô hùng vĩ.

    Hà Nội, tháng 6-1942

    Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

    MẶT NẠ TRUNG THU

    Chỉ còn một tuần nữa là đến Trung Thu và chúng mình không thể không nhớ đến chuyện rước đèn đêm ấy của tuổi thơ.

    Rước đèn đêm Trung Thu

    Cái vui sướng nao nao khi được làm đèn, đốt đèn, rước đèn và cả làm cháy đèn có lẽ không còn nữa với trẻ em hôm nay. Đèn bày bán đầy chợ nên không ai tự làm nữa. Đường phố giờ ít trẻ và thiếu an toàn nên trẻ không được rước đèn. Đèn không dùng nến mà dùng pin nên không cần đốt và bị cháy! Nhìn các cháu cầm đèn ngóng ra cửa mà thương quá. Tuổi chúng mình phần lớn đã có cháu nội, cháu ngoại cũng nên giúp các cháu có tí gì gọi là kỷ niệm với ông bà chứ, phải không?

    Gần đây lớp trẻ bắt chước lễ Haloween của Tây phương đeo mặt nạ cho đêm Trung Thu. Để đáp ứng với thị trường, một số làng nghề gia truyền phiá bắc đã làm mặt nạ giấy bồi với hình ảnh Á Đông như thỏ, mèo, chị Hằng, chú Cuội...

    Mặt nạ thỏ, mèo
    Theo tôi, đây là một ý tưởng độc đáo. Chúng mình có thể cắt mặt nạ bằng giấy thật đơn giản theo hình ảnh con cháu mình thích, cho chúng tô màu rồi đeo mặt nạ ấy trong đêm Trung Thu. Các cháu sẽ phát triển trí tưởng tượng sáng tạo của mình, thả hồn trong đêm Trung Thu và sẽ nhớ mãi kỷ niệm êm đẹp ấy của chúng với ông bà sau này. Các bạn nghĩ mình có thể làm một cái mặt nạ cho cháu đêm Trung Thu này không?

    Cắt bìa và các cháu tô màu
    VTH

    Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

    MỘNG NGÀY XANH


    Dấu yêu một thuở chớm mong manh
    Chim non chập chững hót trên cành
    Mắt biếc mơ màng xây thiên lý
    Chân quàng quờ quạng vẽ đường ranh
    Đua trận thư hùng say tâm trẻ
    Thoảng tà áo trắng ngất hồn xanh
    Dăm cánh phượng hồng vương trong gió
    Gợi nhớ hôm xưa giấc mộng lành
    VTH

    Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

    TÔI LÀ AI?

    Jack Benny tên thật là Benjamin Kubelski. Năm lên 8, ông được bố tặng một chiếc đàn violin làm quà sinh nhật. Chiếc đàn có giá 50 đô la – cả một gia tài năm 1908 đối với một gia đình người Nga nhập cư. Jack chơi rất hay và khi ở tuổi teen, ông đã được chơi cho các buổi hòa nhạc lớn. Tuy vậy, ông cho rằng cây violin vẫn chưa thỏa mãn trái tim ông.

    Một buổi tối, ông quyết định kể cho các khán giả của mình nghe về một tai nạn nho nhỏ đã xảy ra trong ngày. Khán giả cười ngả nghiêng. Ông kể lại "Âm thanh đó khiến tôi mê mẩn. Tiếng cười đó đã kết thúc sự nghiệp làm nghệ sĩ chơi nhạc của tôi”. Chính nó bắt đầu sự nghiệp của ông để trở thành một vua hài nổi tiếng của Mỹ - Jack Benny. Jack đã tìm ra được mình là ai và tất cả mọi việc như khớp vào đúng chỗ, đưa ông đến đỉnh vinh quang.

    Jack Benny
    Thật vậy, nếu bạn không biết bạn là ai, làm sao bạn biết mình có thể làm được gì? Không biết mình có thể làm được gì làm sao mơ ước, lấy gì làm đích đến của cuộc đời? Sống không có ước mơ là sống như đã chết nhưng sống không biết mình là ai để rồi mơ ước viển vông là chuốc lấy đau thương, thẩt bại.

    Hôm nay ngày Quốc Khánh, ngày cả dân tộc khẳng định mình là ai. Bạn cũng nên tự tìm lại để biết tôi là ai. Đừng để một ngày nào đó nghe tiếng hát ai oán của Khánh Ly rồi gật gù theo lời nhạc:
    Tôi là ai, là ai?
    Sài Gòn gánh gió trên vai, mưa lầy lội.
    Tôi tìm chập chùng dấu vết hươu nai...
    Không ai chờ đợi hình dáng tôi phai!

    VTH

    Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

    THÔNG BÁO

    Ban Tổ Chức Hội Ngộ 2013 tại Nam Cali thông báo quỹ còn dư một số tiền muốn gửi về giúp các thày cô, nhân viên và cựu học sinh Cao Thắng có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, ngày 24/07 vừa qua một buổi họp với sự tham dự của thầy Trần Phát Lạc cùng anh em đại diện các khóa gồm:

    - Nguyễn Tấn Hưng (61-68) chủ trì buổi họp.
    - Nguyễn Xuân Hưởng (54-61)
    - Nguyễn Kiên Trung (56-63)
    - Đặng Vĩnh Bữu (60-67)
    - Trẩn Tỷ, Nguyễn Hồng Vân, Lê Thành Tài, Phạm Kinh Doanh (62-69)
    - Nguyễn Thanh Toàn (65-70)
    - Nguyễn Quang Minh (66-71)
    - Đinh Tự Hoàng (67-72)
    - Lê Quốc Thống, Nguyễn Lê Sơn (68-73)
    - Huỳnh Tấn Lộc, Nguyễn Võ Văn (69-74)
    - Trần Đình Đức, Đỗ Thọ Bình, Nguyển Thanh Nam (70-75)
    - Nguyễn văn Hiếu, Võ Minh Thiện (71-76)
    - Hai cô: Nguyễn Kim Hoa, Nguyễn Thoại Vân (74-76)

    Buổi họp đã thống nhất:
    1. Danh sách đề nghị các trường hợp cấp bách cần sự tương trợ tức thời của một số thầy và các đồng môn. Danh sách này sẽ được anh Tấn Hưng gởi đến BTC Hôi Ngộ 2013 tại Hoa Kỳ.
    2. Số tiền tương trợ sẽ được xuất từ quỹ tại Hoa Kỳ và chuyển trực tiếp đến các địa chỉ nêu trong danh sách.

    Do buổi họp không có được đại diện tất cả các khóa, danh sách đề nghị có thể còn thiếu xót một vài trường hợp. Nếu các bạn biết ai đó cần tương trợ xin hãy liên lạc gấp với:
    Nguyễn Tấn Hưng
    Email: tanhung6168@yahoo.com.vn
    Đt: 0933 277 335
    để kịp bổ sung vào danh sách.

    Nhân dịp này tôi xin mạn phép thay mặt anh em cựu học sinh trong nước thành thật cảm ơn nhã ý tương trợ của quý thầy cô và đồng môn hải ngoại.

    VTH

    Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

    YÊU VÀ CHẾT TRÊN ĐẤT VIỆT

    Ai nói già hết yêu? Robert Podunavac là người Mỹ, chuyên gia phần mềm của một cơ quan thiết lập bản đồ các vùng biển thế giới. Ông có hơn 40 năm rảo khắp các châu lục. Năm 2001 ông đến Việt Nam, gặp và yêu cô giáo Việt. Ông theo cô về quê để xin hỏi cưới theo thông lệ dân ta và nhận ra rằng miền đất này có quá nhiều để ông yêu. Càng ngày ông càng yêu đất Việt, phong tục và người dân Việt. Ông xin được định cư và chết tại Việt Nam!

    Xin được định cư và chết ở Việt Nam

    Từng có hai đời vợ, vợ đầu là người Hàn Quốc khi ông tòng sự ở đó và người vợ sau là cảnh sát Mỹ. Công việc tất bật, một tháng họ gặp một lần, hẹn nhau ở quán rượu nào đó. Cha mẹ, anh ruột của bà vợ bị ung thư. Bà đau khổ, muốn tìm cái chết. Thương quá, ông cưới. Bà ta bỗng đổ bệnh nghiện rượu, say liên tục, khắp nhà chỗ nào cũng có vỏ Whisky. Ông đem giấu, bà lại đem cất vào tủ quần áo. Can không được, ông đành ly dị.

    Qua Việt Nam ông gặp gia sư tiếng Việt, Lư Hà Thy Nhơn, tại Sài Gòn. Ông yêu bởi cô là giáo viên, thông minh, đời nhiều uẩn khúc nhưng rất chân thành. Cô có một đời chồng với ba đứa con. Vì khó khăn nuôi con ăn học ở quê, cô lên Sài Gòn kiếm sống. Cô không muốn tái giá nhưng Robert theo đuổi cô quá. Để thử lòng, cô đòi Robert về quê xin cha mẹ hỏi cưới và để Robert thấy cảnh khổ của dân quê, phong tục khắt khe của làng và nhất là gánh nặng ba đứa con.

    Trái với suy nghĩ của cô, về quê ở Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam Robert càng yêu cô hơn vì mảnh đất, tình người, nếp nhà, quê thói! Ông mua sắm dụng cụ cho dân làng, cuốc đất, cày ruộng với họ. Ông mê chùa, bái lạy còn hơn cả cô. Ông chuộc lại mảnh đất mà mẹ cô đã bán vì túng thiếu, xây nhà, trồng lúa, nuôi gà vịt trên đó. Ông chu cấp cho mẹ con cô. Có lẽ yêu người thì mến đất nhưng cô không còn lý do gì để từ chối tình yêu mãnh liệt của Robert. Họ cưới nhau khi Robert đã 73 tuổi, cô 41.

    “Tôi đi nhiều nước, nhưng thích nhất người Việt Nam vì họ quá thân thiện. Vùng đất Tam Lãnh này quá yên bình, cây xanh nhiều. Tôi thích”. Ông trầm ngâm rồi nói tiếp rằng, ở Mỹ ông không có vợ con, lại là con út trong gia đình. Anh chị ông đã chết hết. Nếu ông chết, ai là người an ủi linh hồn ông khi con cháu ông không bao giờ nghĩ đến chuyện đó? Lại nữa, ở bên đó, chết là thiêu, đổ biển, ai giàu có thì mua đất chôn nhưng có thời hạn. Ông thì thích có mồ mả! (*)

    Ước mơ được yêu và chết tại Việt Nam
    Cô Nhơn đã xây sẵn mộ cho ông. Ông rất xúc động: “Tôi đến đây, thành người thân trong nhà Nhơn, cả bây giờ lẫn khi chết, gởi thân xác cho gia đình Nhơn, tôi thấy tự tin và ấm áp. Tôi đã chuẩn bị hành trình khi nhắm mắt yên thân”. Khi được hỏi “Người phụ nữ này có vai trò gì với ông ?”, ông nhìn cô tràn ngập yêu thương: “Mở mắt ra, nhìn thấy Nhơn là tôi vui, đặt hết hi vọng ở em. Có em, tôi không lo gì cả. Tôi đã hai lần cưới rồi, dự định sẽ không bao giờ lặp lại nữa, nhưng khi gặp em, mọi suy tính không ngờ đổ vỡ tan tành. Đời, ba lần thì thôi, như người Việt hay nói, phải không?”(*).

    Ước mơ của ông già Robert đơn giản chỉ là được yêu và chết tại Việt Nam!

    VTH
    * Tư liệu trích từ Báo Việt

    Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

    VU LAN NHỚ MẸ


    Hôm nay ngày Lễ Vu Lan
    Con ngồi nhớ mẹ hai hàng lệ rơi
    Mẹ không còn ở trên đời
    Để con bên cạnh nghe lời yêu thương
    Mẹ già một nắng hai sương
    Nay đà siêu thoát Tây Phương lâu rồi
    Nhưng sao lòng vẫn bồi hồi
    Nhớ hình bóng mẹ chẳng ngơi tấc lòng
    NĐH

    Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

    BẠN ĐẾN THĂM NHÀ



    Khó khăn bận rộn không nề
    Ngũ nương Cao Thắng tìm về thăm ta
    Các nàng chẳng ngại đường xa
    Tấm lòng bè bạn thật là thâm sâu
    Tri âm cùng gặp với nhau
    Một ngày sao chóng qua mau thế này
    Luyến lưu khi phải chia tay
    Lòng mong gặp lại một ngày không xa
    NĐH

    Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

    HOÀI VỌNG

    Ba mươi tám năm xưa
    Trong căn phòng nhỏ
    Chúng mình năm đứa
    Nâng ly thề hứa
    Sống chết bên nhau
    Qua cuộc bể dâu
    Nếu ai còn sống
    Sẽ về lập ruộng
    Đón người đến sau


    Ba mươi tám năm sau
    Chúng mình còn đó
    Nhưng ước mơ xưa
    Đã thành thiên cổ!
    VTH

    Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

    NGƯỜI RỪNG

    Chính quyền Quảng Ngãi vừa tìm thấy hai cha con 'người rừng' Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi.


    Được biết hai cha con đã sống 'tự cung tự cấp' gần bốn mươi năm trong rừng. Ông Hồ Văn Thanh từng là bộ đội chính quy quân khu 5 ở tây Quảng Ngãi. Ông xuất ngũ về với gia đình sau năm năm kháng chiến. Năm 1972, nhà ông bị trúng bom, người mẹ ruột và 2 con chết.  Ông Thanh đem vợ về Trà Xinh sống và có thêm được hai con. Đau thương vì mất mát và nghi đứa con sau là con hoang, ông ôm con trai lớn là Hồ Văn Lang vào rừng.  Từ đó cha con ông trở thành 'người con của đại ngàn'.



    Hai cha con sống  trong căn nhà treo và tự chế những vật dụng như búa rìu, nồi niêu từ những mảnh bom nhặt nhạnh trong chiến tranh.



    Chuyện sống trong rừng bằng đó năm quả là kinh ngạc nhưng nỗi đau gặm nhắm ông Thanh mới là điều đáng suy nghĩ. Ông đã biến đau thương thành sức mạnh và nuôi lớn ước mơ cho con mình, Hồ Văn Lang, thành 'người rừng'. Ôi! Còn gì đau xót hơn?

    VTH

    Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

    PHIN ĐE LI

    Mới nghe cứ tưởng phim Delhi của Ấn Độ! Không, Phin Đe Li đây là PHINDELI, một thương hiệu cà phê Việt ghép từ hai chữ PHIN là phin cà phê và DELI là ngon tuyệt (delicious).


    Nếu chỉ là một thương hiệu thì không có gì đáng nói nhưng đây là một thương hiệu sẽ được đặt tên cho thị trấn Buford của Mỹ mà doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã mua lại năm ngoái. Thị trấn này chỉ có một cửa hàng xăng dầu và nó sẽ được biến thành trung tâm giới thiệu cà phê siêu sạch Phindeli. Ông chủ cũ, Don Sammons, sẽ là đại sứ cho cửa hàng.

    Ông Phạm Đình Nguyên đã mua Buford gần một triệu đô và theo tính toán của ông số tiền đó quá rẻ để có một thị trấn quảng cáo, trưng bày, phân phối sản phẩm. Thật vậy, để có một trang quảng cáo trên New York Times bạn phải mất ít nhất nửa triệu đô. Quảng cáo trên truyền hình còn mắc hơn. Ngay cả chuyện ông Nguyên là người Việt mà dám mua thị trấn Buford của Mỹ đã nổi đình nổi đám trên mạng. Hôm nay việc ông đổi tên từ Buford qua Phindeli - tên rất Mỹ - sẽ quảng cáo tiếp cho thương hiệu.


    Theo tôi, đây là phương cách Mỹ hóa sản phẩm Việt để xâm nhập thị trường của Mỹ. Đương nhiên, cạnh tranh với các đối thủ cỡ Star Buck không dễ nhưng với chiêu đầu tiên đầy sáng tạo này chúng ta có thể tin rằng cà phê PHINDELI đã có đất trụ. Vấn đề chỉ còn là quảng bá và phát triển sản phẩm. Dĩ nhiên, đây mới là khởi đầu của một con đường dài đầy khốc liệt. Dẫu sao, nó cũng nói lên bản lĩnh của doanh nhân Việt hôm nay. Họ dám nghĩ, dám làm và họ xứng đáng thành công. Các bạn nghĩ gì về cách làm này của ông Phạm Đình Nguyên?
    VTH

    Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

    CHIA BUỒN

    Được tin Nhạc Phụ của bạn Phan Anh Hải (HSCT 71-76. Hiện định cư tại Minnesota)

    Cụ Bùi Đức Thuật đã từ trần lúc 8:00 sáng ngày 28 tháng bảy năm 2013
     (tức ngày 21 tháng 6 năm Qúy Tỵ). Hưởng thọ 93 tuổi. 
    Lễ nhập quan và phát tang vào ngày thứ sáu 2 tháng 8 năm 2013 từ 9:00 – 11:00 sáng. 
    Lễ viếng từ 11:00 sáng đến 7:00 tối ngày 2 tháng 8 năm 2013 tại nhà quàn
     Hillside Funeral Chapel 2600 19th Ave N.E., Minneapolis, Minnesota 55418 
    Phone: 612-781-1999 
    Tang lễ sẽ cử hành vào ngày thứ bảy 3 tháng 8 năm 2013 lúc 11:00 sáng tại Hillside Funeral Chapel.

    Xin chia buồn cùng hai bạn Hải – Hoa cùng Đại Gia Quyến. Thành kính nguyện cầu hương hồn Cụ thảnh thơi về Cõi Phúc. 
    MQH


    Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

    HÁI BƠ, ĐÙM NHÃN


    Xuống nhà Hiệp để hái bơ
    Ra vườn mới thấy trái chờ đầy cây
    Bơ này tới lứa rồi đây
    Thì ta cứ hái cho đầy rổ thôi
    Hổm rày năn nỉ ỉ ôi
    Không ai chịu đến  thì tôi hái dùm
    Nhãn kia còn được mấy chùm
    Hiệp giành chừa lại để đùm cho ai?


    NĐH

    Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

    HỘI NGỘ CAO THẮNG


    Nhìn hình cứ ngỡ chẳng phải ta
    Béo tốt, phương phi đẹp hẳn ra
    Ân tình Cao Thắng đầy vương vấn
    Chí khí Ngàn Trươi quá đậm đà
    Tin yêu một thuở mươi con mắt
    Mơ ước ngàn năm một làn da
    Gặp nhau chắc hẳn nhiều tâm sự
     Hoài bão chôn lòng nói sao ra?
    VTH

    Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

    VƯỜN HỒNG


    Sáng nay anh ra vườn
    Nhìn cây cỏ mơn mơn
    Anh yêu và vui quá
    Chim đâu hót vang rờn!

    Anh ghé thăm chậu hoa
    Cánh hoa rung khe khẽ
    Lá uốn mình nhè nhẹ
    Nhụy cười ong bướm qua

    Ngước mắt lên nhìn trời
    Anh thấy lòng chơi vơi
    Tình yêu và tạo hóa
    Mãi đẹp, xanh, sáng ngời
    VTH

    Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

    MỪNG HỘI NGỘ 2013 NAM CALI

    Ngày Hội Ngộ 2013 tại Nam Cali đã đến! Rất nhiều anh em cựu học sinh trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng tại Việt Nam mong ước được góp mặt chung vui nhưng vì hoàn cảnh không đến được. Từ bên này bờ biển Thái Bình Dương, anh em xin được nối vòng yêu thương với tất cả Thày Cô và các bạn Đồng Môn gần xa trên toàn thế giới qua tấm Kỷ Niệm Chương mà các cô CT5, đại diện anh em tại Việt Nam, sẽ trao tặng trong ngày hội.

    Kỷ Niệm Chương Cao Thắng
    Lấp lánh giữa trời...
    Rạng ngời trong đêm!
    Anh em Cựu Học Sinh Cao Thắng tại Việt Nam cũng xin được gởi lời chào mừng nồng nhiệt nhất đến với Thày Cô và các bạn Đồng Môn, xin chúc Ban Tổ Chức một ngày hội thành công tốt đẹp, các Bạn và Thày Cô một ngày vui trọn vẹn.



    Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

    Mừng Đại Thọ Thầy Phan Văn Mão

    Em ơi! Có bao nhiêu... 
    Sáu mươi năm cuộc đời!

    Câu hát này của Y Vân đã được sửa thành chín mươi năm cho xứng với thời đại nhưng câu hát ấy vẫn không xứng với thầy Phan Văn Mão của chúng ta. Quả vậy, ngày 30 tháng 6 vừa qua chúng tôi đã đến dự lễ mừng đại thọ sinh nhật tuổi 100 của thày!


    Khi Thọ Bình đến vấn an và biếu thày món quà mừng đại lễ, thày nhận ra anh và hỏi:
    - Anh em Cao Thắng có bao nhiêu ở đây? Thày đặt 50 chỗ - 15 chỗ cho anh em, đủ không?"

    Câu hỏi đó làm tôi choáng: thày vẫn còn minh mẫn để tự mình tổ chức sinh nhật thứ 100.



    Nếu sức khoẻ, tinh thần và tuổi thọ của thày là một sự ngưỡng mộ cho tất cả chúng ta thì sự ngưỡng mộ đó trở thành nhỏ nhoi khi được ngắm những kỷ niệm chương treo trên tường ở nhà thày. Vài tấm hình dưới đây cho thấy sự nghiệp và tâm huyết của thày đối với xã hội, trường học và quê hương.

     





    Tôi đang ngơ ngẩn nhìn những kỷ niệm chương, bằng khen thì được gọi theo thày đến nhà hàng, nơi đó có thày Quốc, thày Kiệt và nhiều anh em cựu học sinh Cao Thắng của những khoá 1950. Thật ấm áp khi được ngồi giữa đại gia đình Cao Thắng và cũng thật tự hào khi nhận ra tình anh em cựu học sinh vẫn tràn đầy, xuyên suốt qua bao thế hệ.




    Thày Mão khoẻ nhưng không còn đủ sức để đọc diễn văn oang oang như ngày xưa ở trường. Thày phải nhờ người con trai cả nói lớn lời thày cho mọi người cùng nghe.



    Bữa tiệc kết thúc bằng chính thày cắt bánh sinh nhật thứ 100 và phân cho mọi người.


    Chúng tôi ra về mà lòng còn lưu luyến. Thày đã và đang sống đầy cống hiến không chỉ cho trường Cao Thắng mà còn cho cả nền giáo dục nước nhà, đóng góp đầy nhiệt tình không chỉ cho xã hội trước 1975 mà còn cho cả quê hương hôm nay. Thày là niềm hãnh diện, là tấm gương sáng sống động cho anh em ta. Chúng tôi mong ước tấm gương đó sẽ còn sống với chúng ta trong nhiều năm nữa.


    VTH