Từ một thuở tầm dzông đi mở cõi
Đến một thời tầm dzuộc giữ non sông...
Dzô! Dzô! Nghe anh bạn nhậu rống lên hai câu thơ rồi kêu dzô, tôi cũng dzô dzui dzẻ với anh để rồi ngẫm nghĩ lại và giật mình với cái chơi chữ của dân Nam Bộ. Hai câu thơ này có lẽ nhái từ bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
Từ một thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...
Ở đây xin miễn bàn về cái hào hùng trong hai câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ mà chỉ xin bàn ở hai câu thơ nhái, đặc biệt trong sắc thái Nam bộ. Nó nửa đùa, nửa thật lại mang nhiều ý nghĩa để mỗi người tự suy tự diễn. Nó giống như bức tranh nghệ thuật kỳ bí dưới đây:
|
Bức tranh kỳ bí |
Bạn thấy gì trong bức tranh này? Một thiếu nữ đang ngồi đọc sách hay mặt một nam nhân Tây Ban Nha hay cái gì khác nữa? Thấy gì tùy bạn! Tương tự như vậy, bạn hiểu câu thơ nhái thế nào tùy bạn. Bởi tôi đề ra hai câu thơ này, tôi xin được góp ý trước. Các bạn cho nhận xét của mình nữa nhé...
Trước hết, cái hay của hai câu thơ trên ở chữ dz của dân Nam bộ. Chữ dzông và chữ dzuộc đều bắt đầu với chữ dz và có ý nghĩa giông giống nhau. Dzông là chuồn và dzuộc (vuột) là mất. Hai chữ đối âm, đối thể đó ráp lại với ba chữ sau chúng, nghĩa là 'dzông đi mở cõi' đối với 'dzuộc giữ non sông' thì không còn chỗ chê! Bạn hiểu thế nào?
Ngoài ra, chữ tầm trước hai chữ dzông/dzuộc còn có nghĩa là tìm, tỉ như trong câu 'ngưu tầm ngưu, mã tầm mã'. Vậy câu 1 có thể hiểu cha ông ta mở nước bằng cây tầm vông hoặc bằng cách tìm chỗ trốn đi và câu 2 có thể hiểu là con cháu hôm nay giữ bờ cõi bằng trồng cây tầm giuộc hoặc bằng cách tìm bỏ hết non sông!
Tôi nghe chua và chát, chua chát như vị trái tầm giuộc trong câu 2. Nếu ngẫm sâu hơn, cả hai cái tầm - tầm vông, tầm giuộc - đều là tầm phào, tầm xào, tầm bậy. Chẳng có gì tầm vóc, nói chi tầm nhìn!
Hình như văn hóa Nam Bộ đã thăng hoa lên một bậc, cao hơn và cũng cay hơn. Xin được dùng câu thơ Nguyễn Du tả trong Kiều để nói lên cái hay của chơi chữ Nam Bộ:
Rằng hay thì thật là hay..
Nghe sao ngậm đắng nuốt cay thế nào!
VTH