Ngày lễ đó khi truyền qua Việt Nam đã được Việt hóa để cúng gia tiên. Dân ta không tin vào chuyện huyền hoặc nhưng vẫn làm cỗ, bày ra bánh kẹo để sau khi cúng người lớn ngồi lại ngắm trăng, uống trà hoặc rượu trong khi các cháu nhỏ rước đèn, múa lân, ca hát. Hằng Nga, chú Cuội chỉ có trong thơ ca. Thực tế, cha mẹ cho các cháu thưởng thức bánh kẹo đêm này là chính. Tết Trung Thu vì thế còn được gọi là tết Nhi Đồng.
Đó là chuyện xưa. Ngày nay cuộc sống đô thị đã đổi hẳn. Trẻ em không còn rước đèn, múa lân ngoài đường vì xe cộ nguy hiểm. Người lớn không còn ngắm trăng vì đèn điện sáng lóa hết cả. Bánh kẹo được chế biến với mục đích làm quà biếu 'người lớn hơn' chứ không nhằm cho 'người nhỏ hơn'. Tết Trung Thu từ đó mất hẳn nét lãng mạn và ước mơ chết dần...
Thực tế, Sài Gòn tiêu thụ khoảng 10 ngàn tấn bánh Trung Thu và trẻ em ở thành phố được coi là 'thừa bánh thiếu trăng' trong khi ở nông thôn trẻ em 'thừa trăng thiếu bánh'. Dĩ nhiên vẫn còn ở đâu đó nhiều trẻ em thiếu cả trăng lẫn bánh!
Đây là tấm hình chụp một cậu bé nằm bên lề đường Sài Gòn, mê mẩn với chiếc đèn Trung Thu nghèo nàn. Bạn có lẽ đang xót thương cho cậu bé vì thiếu cả bánh lẫn trăng. Cậu bé đó có thể chưa bao giờ ăn bánh Trung Thu và chưa bao giờ thấy trăng. Cậu có nhiều cái để mơ nhưng cái đèn là chính. Nếu có bánh Trung Thu, dù chỉ một miếng nhỏ, sẽ đẹp xiết bao! Theo tôi, cậu bé đang có hạnh phúc hơn những trẻ em 'thừa bánh' vì cậu bé còn có ước mơ và chúng ta không còn hạnh phúc đó vì không còn có ước mơ mỗi dịp tết Trung Thu, tết của nhi đồng.
VTH