Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Tết Trung Thu - Tết Của Ước Mơ

Tết Trung Thu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng vua Đường Minh Hoàng đang thưởng ngoạn trăng rằm tháng tám thì gặp đạo sĩ có phép tiên đưa vua lên Cung Trăng. Cảnh trí trên đây đẹp mê hồn, vua quên cả trời sáng. Đạo sĩ phải nhắc vua mới ra về nhưng lòng tiếc lắm. Từ đó mỗi năm cứ đến rằm tháng tám vua ra lệnh cho dân nhảy múa, rước đèn, bày tiệc để nhớ lại chuyện xưa.


Ngày lễ đó khi truyền qua Việt Nam đã được Việt hóa để cúng gia tiên. Dân ta không tin vào chuyện huyền hoặc nhưng vẫn làm cỗ, bày ra bánh kẹo để sau khi cúng người lớn ngồi lại ngắm trăng, uống trà hoặc rượu trong khi các cháu nhỏ rước đèn, múa lân, ca hát. Hằng Nga, chú Cuội chỉ có trong thơ ca. Thực tế, cha mẹ cho các cháu thưởng thức bánh kẹo đêm này là chính. Tết Trung Thu vì thế còn được gọi là tết Nhi Đồng.


Đó là chuyện xưa. Ngày nay cuộc sống đô thị đã đổi hẳn. Trẻ em không còn rước đèn, múa lân ngoài đường vì xe cộ nguy hiểm. Người lớn không còn ngắm trăng vì đèn điện sáng lóa hết cả. Bánh kẹo được chế biến với mục đích làm quà biếu 'người lớn hơn' chứ không nhằm cho 'người nhỏ hơn'. Tết Trung Thu từ đó mất hẳn nét lãng mạn và ước mơ chết dần...

Thực tế, Sài Gòn tiêu thụ khoảng 10 ngàn tấn bánh Trung Thu và trẻ em ở thành phố được coi là 'thừa bánh thiếu trăng' trong khi ở nông thôn trẻ em 'thừa trăng thiếu bánh'. Dĩ nhiên vẫn còn ở đâu đó nhiều trẻ em thiếu cả trăng lẫn bánh!
 

Đây là tấm hình chụp một cậu bé nằm bên lề đường Sài Gòn, mê mẩn với chiếc đèn Trung Thu nghèo nàn. Bạn có lẽ đang xót thương cho cậu bé vì thiếu cả bánh lẫn trăng. Cậu bé đó có thể chưa bao giờ ăn bánh Trung Thu và chưa bao giờ thấy trăng. Cậu có nhiều cái để mơ nhưng cái đèn là chính. Nếu có bánh Trung Thu, dù chỉ một miếng nhỏ, sẽ đẹp xiết bao! Theo tôi, cậu bé đang có hạnh phúc hơn những trẻ em 'thừa bánh' vì cậu bé còn có ước mơ và chúng ta không còn hạnh phúc đó vì không còn có ước mơ mỗi dịp tết Trung Thu, tết của nhi đồng.
VTH

12 nhận xét:

  1. Trong ký ức, tết Trung thu tôi được tham gia đúng ý nghỉa là khi hoc lớp tư và ba ở quê.
    Tôi còn nhớ còn khoảng nửa tháng tới rằm tháng tám âm lịch, thầy đã cho làm lồng đèn để chấm điểm thủ công và thầy không cấm mà còn khuyến khích học trò nhờ người lớn làm giúp, không khí náo nức chờ rước đèn Trung thu cũng bắt đầu. Tôi và những bạn không được người lớn làm giúp, tìm tre về vót nan tự làm hai loại đèn dễ nhất là đèn Ông Sao và đèn Bánh Ú, sau đó rủ nhau đến xem những lồng đèn của các bạn được người lớn làm giúp như đèn Kéo Quân và đèn làm theo hình các con thú, để thèm thuồng, chiêm ngưỡng.
    Sau khi đem tới lớp chấm Thầy chấm điểm, lồng đèn được trả lại cho học trò đem về nhà treo, đến khoảng 2 giờ chiều rằm tháng tám, tất cả được chúng tôi mỗi người treo trên cành tre dài độ 2 thước mang đến trường để Thầy tổ chức đi rước đèn.
    Nếu là học sinh lớp Tư học tại thôn. thầy dẫn chúng tôi rước đèn quanh thôn , hát vang những bài như : Vui ca lên nào anh em ơi, hát cho đời thắm tươi..., Rằm trung thu trăng sáng trên bầu trời xanh, vòng quanh nhau đây.... và điểm tập trung là sân vận động xã. Còn nếu học sinh học tiểu học,học lớp ba trở lên rước đèn thẳng từ trường tới sân vận động.
    Đến khoảng năm sáu giờ chiều, chương trình vui trung thu bắt đầu, Sau phần khai mạc của vị đại diện Hội Đồng xã bắt đầu phần thi đua văn nghệ của thiếu nhi các thôn và học sinh trường tiểu học của xã. Phần chúng tôi chờ đợi là lúc xã phát quà trung thu , mỗi phần quà được bỏ trong túi giấy xếp bằng giấy tập cũ hoặc giấy báo gồm mấy cái bánh bisquy và mươi cây kẹo, nhưng chúng tôi có đứa không dám ăn, để dành đem về cho em.
    Những năm sau đó chiến tranh, không ai dám tổ chức Trung thu cho bọn trẻ chúng tôi, khi vào Sài Gòn tôi đã lớn, đến mùa Trung thu tối tối dạo theo các con đường có bán bánh và lồng đèn để ngắm những hộp bánh Trung thu đắt tiền và những chiếc lồng đèn tinh xảo mà nghĩ về cái tết Trung thu đơn sơ ở quê đầy ắp kỷ niệm của mình.

    Trả lờiXóa
  2. Ngày xưa, còn bé tôi ở với bà ngoại chẳng có ai làm đèn cho mình. Tôi theo những bạn lớn hơn vô làng kiếm tre về chặt, chẻ rồi vót làm đèn. Nhờ đó biết làm đèn. Khi mẹ tôi và các em về thành phố, tôi về ở chung và rất bận rộn mỗi mùa Trung Thu với các em gái: làm cho mỗi đứa một cái đèn mà tất cả phải đẹp như nhau! Khi xa quê, tôi cũng cố làm cho các con một cái đèn dù chỉ để ngắm và dạo quanh nhà. Ở Anh trời thường mây mù, ít thấy trăng mà đêm thì lạnh. Loanh quanh luẩn quẩn ít phút là hết. Giờ thì các em gái đã già và các con đã lớn. Không ai đòi tôi làm đèn nữa. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm êm đềm của hôm xưa.

    Trả lờiXóa
  3. Còn ba hôm nữa tới rằm tháng tám, nhưng chẳng thấy không khí háo hức đón Trung thu của bọn trẻ xóm tôi.

    Gần nhà tôi có tiệm tạp hóa cũng có bán một ít bánh Trung thu và lồng đèn rẻ tiền nhưng người mua không nhiều, còn con nít tới xem chẳng thấy.
    Cách nhà tôi một trăm mét là Trung tâm văn hóa xã, các năm trước đêm rằm Trung thu, xã có tổ chức Trung thu cho thiếu nhi trong xã, thường thì con nít nhà nghèo tới nhận ít bánh kẹo rẻ tiền rồi về chẳng vui chơi gì.Thiếu nhi bây giờ chẳng mấy quan tâm đến Trung thu, bánh kẹo lúc nào chả có còn trò chơi có gì để vui chơi đâu ?
    Trung thu là nét đẹp văn hóa dành cho thiếu nhi, là dịp người lớn hướng các cháu vào các trò chơi bổ ích, nhưng chẳng mấy ai quan tâm, Trung thu bây giờ là dịp người lớn ơn nghĩa với nhau. Các bạn tìm trong Google sẽ thấy có hộp bánh Trung thu tới 16 triệu, hộp bánh này chắc không dành cho trẻ nhỏ.

    Tôi biết xã hội mỗi lúc một phát triển, Trung thu không còn là dịp để những đứa con nít như chúng tôi ngày xưa có được bánh kẹo, nhưng được vui chơi với những trò chơi hào hứng, hấp dẫn con nít thời nào cũng muốn nhưng tìm đâu bây giờ ?

    Trả lờiXóa
  4. Đêm qua gió lạnh mưa rơi rơi
    Trăng thu lẩn khuất trốn đâu rồi
    Phố buồn, quán vắng, đèn le lói
    Chung trà nguội ngắt giấc mơ đời

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trăng thu tròn sáng khuất mây rồi
      Đúng rằm trăng đến chị Hằng ơi !
      Mây phủ trăng thu che mờ lối
      Ngơ ngát tìm trăng mắt chẳng rời

      Xóa
  5. Tối nay chuẩn bị máy ảnh, tính qua Trung Tâm Văn Hóa Xã ở trước nhà chụp một số hình thiếu nhi vui Trung Thu, nhưng chả thấy gì.
    Trẻ con chẳng ai tổ chức vui chơi, mình không có gì để viết, thôi vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao lại chẳng có gì để viết
      Thả tâm hồn về quá khứ xưa
      Cái thời lúc nhỏ xa xưa đó
      Chạy u trốn tìm với tắm mưa

      Xóa
  6. Thèm sao trăng thu ngày xa xưa
    Mỗi đứa một đèn giấy đong đưa
    Trắng sáng treo bụi tre lấp lánh
    Xếp hàng rồng rắn hát say sưa

    Trả lờiXóa
  7. Tối đó đưa nàng đi
    Đường về đêm mười sáu
    Trăng to cao vời vợi
    Anh một mình chơi vơi

    Trả lờiXóa
  8. Trở gót không nghỉ ngơi
    Thắm buồn ôi nghèn nghẹn
    Nổi sầu trôi len lén
    Nặng bước trên đường đê

    Trả lờiXóa
  9. Anh nghe tâm não nề
    Giận sao khuya lấp lánh
    Anh thấy lòng trống vắng
    Lạc lõng giữa trời mê

    Trả lờiXóa
  10. Nổi lòng quá lê thê
    Còn ganh sao lấp lánh
    Một mình đầy trống vắng
    Lặng theo cảnh đê mê

    Trả lờiXóa