Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Cuối Tuần Bàn Chuyện Thời Sự

Một điều được dự đoán từ nhiều năm trước đã xảy ra. Ngày hôm qua, theo tin chính thức của quỹ tiền tệ quốc tế IMF thì nền kinh tế số 1 thế giới đã trở thành nền kinh tế số 2. Theo tính toán của họ thì Trung Quốc đã vượt qua Mỹ với tổng sản lượng là 17,6 ngàn tỷ đô la (17.6 trillion) so với Mỹ là 17,4 ngàn tỷ. Tương tự, hai nền kinh tế này chiếm 16,5% và 16,3% tổng lượng kinh tế toàn cầu.


Mặc dù đây là điều được dự đoán trước nhưng sau khi có thông tin chính thức thì hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Từ bao nhiêu năm qua hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ cứ luôn kèn cựa nhau và đảng này phản đối hầu như bất kỳ chính sách mới của đảng kia. Sự phản đối không hề dựa trên quyền lợi của dân chúng Mỹ mà chỉ vì quyền lợi của đảng. Chính điều này đã ngăn cản sự phát triển của nước Mỹ. Như vậy, phải chăng cần phải có thêm nhiều đảng phái chính trị?

Có người cho rằng vì Mỹ luôn can thiệp quân sự khắp nơi trên thế giới khiến họ không tập trung tiền của và năng lực để phát triển nhưng nhiều người phản bác rằng thời gian qua Mỹ chỉ can thiệp nơi nào có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế, chính trị và quân sự của họ chứ những nơi khác thì họ phớt lờ hoặc chỉ lên tiếng phản đối suông mà thôi. Theo như đà phát triển hiện nay thì kinh tế Trung Quốc sẽ dần dần bỏ xa hơn nữa và Mỹ chưa có cách nào để bắt kịp. Như vậy, phải chăng chế độ độc đảng cuối cùng sẽ tốt hơn chế độ đa đảng? Và Mỹ có phải thật sự đang trong chế độ đa đảng hay không?

Về quân sự, hiện nay Trung Quốc vẫn còn kém xa Mỹ nhưng khoảng cách này đang được họ thu hẹp dần như họ đã làm trong lĩnh vực kinh tế. Đến khi đó thì lực lượng nào sẽ kềm chế tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc? Trung Quốc cứ phát triển theo tốc độ này đến bao giờ? Đến khi nào và điều kiện gì tốc độ này chậm lại? Phải chăng nó sẽ đi đến cuộc khủng hoảng trong tương lai vì sự phát triển quá nhanh trên một nền tảng được xem là kém căn cơ như hiện nay?

Bây giờ là những câu hỏi nhưng sắp tới sẽ là hàng loạt các phân tích, nghiên cứu, lập luận và điều chỉnh của các chuyên viên kinh tế chính trị quân sự và xã hội trên thế giới. Mọi chuyện có lẽ đang dần thay đổi theo một hướng nào đó mà chưa ai khẳng định được. Việt Nam ta sẽ phải làm gì để sẳn sàng tiếp nhận những thay đổi đang diễn ra đó?

Một cơ chế chính trị xã hội hoạt động kém hiệu quả vài chục năm qua đã cho kết luận chung là cần phải thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để phù hợp cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước là chuyện cực kỳ quan trọng. Không có mô hình nào là mô hình chung cả, mỗi quốc gia tuỳ điều kiện hoàn cảnh của mình mà tìm một hướng đi riêng. Ngay cả các nước tư bản phát triển hàng đầu như Mỹ Anh Pháp Đức Ý thì mỗi nước cũng có nhiều điểm khác nhau trong cơ chế chính trị xã hội. Nếu chúng ta cứ bắt chước rập khuôn từ nước này hay nước nọ mà bất chấp những điều kiện riêng của mình thì kết quả ra sao có thể đoán trước được.

Cuối cùng là vấn đề con người. Con người như thế nào thì sẽ tạo ra xã hội như thế đó, dù là theo mô hình nào đi nữa thì cũng do chính con người của xã hội đó vận hành. Chúng ta cần những con người thật tâm muốn xây dựng phát triển đất nước chứ không cần những kẻ chỉ biết chửi bới suốt ngày về bất cứ vấn đề gì trên trang mạng xã hội dù những vấn đề đó họ không chút hiểu biết.

Sau năm 1975 tại Việt Nam ta thường thấy hầu như bất kỳ cái gì xấu xa, tệ hại diễn ra trong xã hội đều được đổ lổi cho Mỹ Nguỵ, điều này kéo dài đến năm 1980 thì bắt đầu giảm dần và đến năm 1990 thì hầu như không còn kiểu đổ thừa này nữa.

Sang đến Mỹ tôi thật tức cười khi thấy kiểu truyền thông như vậy vẫn tồn tại đến ngày nay nghĩa là mọi thứ đều sẽ được lập luận và cuối cùng đích đến là do tội ác của Cộng Sản. Hiện nay ở VN cũng đang có những anh hùng bàn phím đang ra sức chửi bới và phản đối tất cả mọi quyết định hay chính sách của nhà nước dù đúng hay sai, dù phải hay trái.

Thật tình lúc đầu đọc những thông tin đó tôi cũng cảm thấy thích thú vì họ đã dám nói lên sự bất bình mà nhiều người không dám nói và báo chí tại VN không dám nói, khiến cho người đọc cũng hả dạ nhưng càng về sau tôi càng thấy chán và sự chán nản này đã trở thành sự bực mình khi nhiều vấn đề rõ ràng là họ không biết hoặc không nắm vững nhưng cứ chửi bới tung toé. Sau đó lại còn dấn sang chuyện mạt sát cá nhân của những người liên can. Đến nước này thì tôi thật sự thất vọng về họ.


Tôi biết một vài người khi còn làm việc trong nhà nước thì chính họ cũng tệ hại chả kém ai nhưng khi ra khỏi guồng máy này thì thoắt cái họ trở thành "nhà dân chủ". Chính những người này chửi bới còn ác liệt hơn người khác, có vẻ họ nghĩ rằng làm như vậy chứng tỏ họ từ xưa nay vẫn trong sạch chăng? Chứng tỏ họ có hiểu biết hơn những cấp trên và cấp dưới của họ đang làm việc cho nhà nước chăng? Càng ngày theo xu hướng chung của họ thì mọi bế tắc, mọi thói hư tật xấu tệ nạn xã hội đều được họ gán cho nguyên nhân là do sống trong xã hội Việt Nam hiện tại mà ra cả. Có lẽ họ cho rằng "nói xấu một cá nhân thì đó là một kẻ tệ hại nhưng nói xấu một xã hội thì đó là một nhà tư tưởng"!

Thật đáng ngại làm sao khi lỡ không may đất nước Việt Nam của tôi sắp tới đây lại nằm trong tay các "nhà tư tưởng" này. Con người nào sẽ tạo ra xã hội đó và có lẽ tôi cũng nên bắt chước họ khi nói rằng "xã hội nào sẽ tạo ra con người đó". Xã hội Việt Nam thời gian qua đã thật sự tạo ra nhiều con người chỉ thích chửi bới và hạ thấp kẻ khác để tự nâng mình lên.

Nguyễn Việt Trúc

1 nhận xét:

  1. Con người nào sẽ tạo ra xã hội đó và bạn bắt chước họ để nói rằng xã hội đó sẽ tạo ra những con người thế này. Tôi chẳng thể không đồng ý với bạn và chẳng thể không buồn lòng khi thấy dân ta mải mê dắt nhau đi trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Bao giờ mới có sự bứt phá để vươn lên, để ngẩng mặt với mọi người, bạn hở? VTH

    Trả lờiXóa