Thấy bài báo hay trên Tạp Chí Công Nghiệp, tôi xin mạo muội trích lên đây để chúng mình cùng chia sẻ...
Triết lý kinh doanh của người Hoa nhìn từ Sài Gòn – Chợ Lớn
Từ thời xa xưa, ở Sài Gòn đã phổ biến câu nói “Ăn mày Tàu”.
Là vì đi ăn xin ở đâu thì đi, nhưng không thể vào khu người Hoa ở Chợ Lớn để xin được, vì người Hoa tuyệt đối không cho tiền người đi ăn xin, mà ngược lại họ sẵn sàng đưa tay ra để giúp đỡ, tạo cơ hội công ăn việc làm cho người nghèo khổ, sa cơ lỡ vận, để tự mưu sinh và sau đó có thể làm giàu.
Với người Hoa, cái gì cần xài, không sợ tốn kém, cái gì lãng phí khó mà móc được “hầu bao” của họ. Tướng quân Quản Trọng cũng đã từng khuyên vua, “Bệ hạ nên cho dân nghèo cái cần câu, hơn là cho con cá”.
Đối với cộng đồng người Hoa sinh sống tại Việt Nam hay với quốc gia nào khác, họ đều mang theo tinh hoa của triết lý này để thi thố làm ăn nơi xứ lạ, quê người. Nhiều câu châm ngôn trong cuộc sống và kinh doanh mà người Hoa nào cũng thuộc lòng và nhắc nhở cho nhau như: “Buôn Ngô buôn Tàu, không giàu bằng buôn hà tiện”, hay “Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn”…
Không thể phủ nhận tính cần và kiệm của người Hoa. Hai chữ “cần, kiệm” không chỉ có ý nghĩa triết lý suông, mà nó đã trở thành triết lý kinh doanh của người Hoa trong mọi thời đại. Vào các thập niên đầu và giữa thế kỷ XX, có nhiều tấm gương làm giàu nay đã trở thành giai thoại từ cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.
Chuyện kể rằng, Quách Đàm và chú Hỏa xuất thân từ nghèo khó, cuộc sống của họ chỉ dựa vào gánh ve chai, nhưng do cần kiệm miệt mài làm việc mà họ trở thành đại phú gia thời ấy. Hay giai thoại “công tử co thùng”, đối với các đại phú gia Hoa kiều trước khi muốn con cái gìn giữ và phát triển sản nghiệp của gia đình, họ gửi các chàng công tử này đến các cơ sở để rèn luyện tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ.
Để xin được vào làm việc tại một cơ sở nào, họ cũng phải trải qua quá trình xét tuyển như những người công nhân khác. Khi được tuyển vào, công việc trước tiên các chàng công tử này là phải xuống bếp cọ thùng như những công nhân. Đây là một cách đào luyện con cái họ khi trở thành doanh nhân có đủ kinh nghiệm và tính kiên nhẫn trong vai trò người chủ trong tương lai.
Một yếu tố khác mang tính đặc trưng của người Hoa. Đó là tính cộng đồng của họ rất cao. Trong kinh doanh, họ lập ra nhiều bang hội, nhưng các bang hội không phải là nơi tụ hội ăn chơi mà để nâng đỡ, tạo cơ hội cho mọi người trong cộng đồng có thể gây dựng cơ nghiệp làm ăn.
Trước khi có tín dụng ngân hàng cho vay dự án kinh doanh, các bang hội người Hoa đã biết triển khai tín dụng, qua hình thức “hụi thảo”, một loại hình chung tay giúp vốn cho những người muốn ra làm ăn nhưng thiếu vốn.
Nhưng sau khi giúp vốn, người Hoa còn tích cực hơn với “hậu tín dụng”, đó là chung tay giúp doanh nghiệp còn non trẻ. Nếu là mở hàng ăn thì họ kéo nhau đến ăn, nếu sản xuất giày dép thì họ tìm đến mua giày…
Nhưng trước hết, chính những đối tác được giúp đỡ đó phải chứng tỏ sự tích cực về tính kiệm cần cao độ. Một số đại gia có thương hiệu vang dội ngày nay là do từng được giúp và áp dụng tinh thần kiệm cần, như thương hiệu giày dép Bình Tiên, bánh ngọt Đức Phát… là những điển hình cụ thể.
Bắt đầu là “tiểu phú do cần” sau trở thành “đại phú do trời”. Trời nói ở đây là thời cơ khách quan đưa tới. Nhưng thời cơ chỉ đưa tới cho những ai có tâm thành, sẵn sàng năng lực để tiếp nhận khai thác. Đến đây thì triết lý kinh doanh phương Đông của người Hoa đã gặp triết lý kinh doanh của phương Tây, “Hãy tự giúp mình trước, rồi trời sẽ giúp anh sau”.
Nhiều nhà nghiên cứu lý giải việc kinh doanh thành công của người Hoa là vì họ rất coi trọng chữ tín, trong làm ăn họ luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Trong nhiều lần tiếp xúc với giới truyền thông, ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kinh Đô, cho biết: “Người Hoa có tầm nhìn kinh doanh rộng và dài. Họ luôn nhạy bén, có khát vọng đột phá, đi đầu và làm ăn lớn, chữ “tín” cũng xuất phát từ chỗ này”.
Công ty bánh Kinh Đô (trước 1975 có tên gọi là Công ty Đô Thành), ban đầu chỉ là cơ ngơi nhỏ tại quận 6, Sài Gòn nhưng bây giờ cơ ngơi của Kinh Đô có tới 9 công ty, có mặt từ Nam chí Bắc. Trên thương trường, Kinh Đô có thể xem là một trong những đại gia đáng gờm trong ngành sản xuất mặt hàng bánh kẹo…
Theo Tiến sĩ Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam á, những nét đặc trưng về văn hóa kinh doanh người Hoa: “Nền tảng gia đình và chữ “tín” là báu vật; đề cao vai trò của tổ chức xã hội, nghiệp đoàn truyền thống; chấp nhận mạo hiểm và quyết đoán trong kinh doanh, được sự giúp đỡ đắc lực của tập thể, gia đình và bè bạn; đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đầu tư; kết hợp giữa cách làm truyền thống với kiến thức và thực tiễn kinh doanh hiện tại…”.
Tại TP.HCM, cộng đồng người Hoa chỉ chiếm 7% dân số (khoảng 500.000 người), nhưng tỉ trọng doanh nghiệp người Hoa lại chiếm 30% trên tổng số doanh nghiệp có mặt tại Thành phố, nơi được xem có vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.
Điều đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp này đều ăn nên làm ra, trong đó không ít doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực cho thị trường, rất quen thuộc với người tiêu dùng không chỉ ở TP.HCM mà còn trong phạm vi cả nước.
Chẳng hạn Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô, Công ty Bút bi Thiên Long, Công ty Dệt Thái Tuấn, Công ty Dây cáp điện Tân Cường Thành, Công ty CP Sản xuất ống thép Hữu Liên – Á Châu…
Trước 1975, khi Sài Gòn là “thủ đô” của chính quyền cũ, khu vực Chợ Lớn là nơi tập trung hàng nhập khẩu và hàng nội địa lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Người Hoa gần như giữ độc quyền về hoạt động thương mại (khoảng gần 90% bán buôn, 50% bán lẻ, 80% – 90% xuất nhập khẩu…).
Những nhà buôn tầm cỡ của người Hoa thường là những đại lý độc quyền, tổng phát hành và phân phối hàng cho các đại lý nhỏ, các cơ sở kỹ nghệ, sản xuất, kinh doanh. Họ có quan hệ làm ăn buôn bán với hơn 40 nước ở khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh hệ thống các nhà buôn lớn, người Hoa ở quận 5 và Chợ Lớn còn làm chủ nhiều tiệm buôn nhỏ, vừa bán sỉ, vừa bán lẻ, đủ mọi mặt hàng, giống như những cửa hàng tạp hóa, mà người Hoa thường gọi là “chạp phô”.
Chợ Lớn thực sự giữ vai trò trung tâm, chi phối thị trường thành phố Sài Gòn và Nam Việt Nam, tại khu vực này có một hệ thống chợ quy mô lớn, hoạt động có tính chất chuyên ngành như chợ Bình Tây, An Đông, La Cai, Tân Thành, Hòa Bình, Kim Biên…
Theo Tạp chí công nghiệp 5/3/2014
Ông bà ta dạy: "Phi thương bất phú " dân ta vẫn bôn bán, với nước ngoài thì xuất nhâp khẩu, trong nước thì bán buôn bán lẻ. Nhưng người Việt chưa làm chủ được thị trường, chưa nhiều doanh nhân thành đạt do đâu ?
Trả lờiXóaNếu về xuất khẩu những mặt hàng nông sản lương thực như : Giạo , Cà phê, Tiêu,Hạt Điều.., các măt hàng thủy sản như: cá da trơn. Tôm sú ...Đều có số lượng xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới, nhưng không làm chủ được thị trường bị nước ngoài o ép, giá cả không ổn định., làm sản xuất trong nước điêu đứng, nhiều doanh nghiệp phá sản.
Với dân số 90 triệu người là một thị trường tiêu dùng lớn, nhưng nhiều lúc hàng hóa, nông sản,sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập lậu.
Đất nước có trên 3200km, nhiều bải tắm đẹp , phong cảnh hữu tình trãi dài từ Nam ra Bắc. Nhưng ngành du lịch chưa thu hút được du khách quốc tế bao nhiêu, doanh thu của ngành du lịch đối với tổng thu nhập quốc dân không đáng kể.
Qua theo dõi báo chí, và mắt thấy tai nghe theo tôi :
Về xuất khẩu, các doanh nhân, các đầu mối xuất khẩu thiếu sự liên kết,còn tranh mua tranh bán, chất lượng hàng hóa không bảo đảm. Từ đó không tạo được thị trường xuất khẩu ổn định bảo đảm cho sản xuất trong nước.
Nhập khẩu chỉ thấy lợi trước mắt cho doanh nghiệp, không thấy cái hại cho môi trường, nền kinh tế trong nước, như nhập rác thải,các loại rau củ quả, thực phẫm không bảo đảm chất lượng, làm cho người sản xuất trong nước lao đao.
Du lịch tôi chưa đi được nhiều,nhưng đã tới Hà Nội, Hạ Long , Sa pa, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hôi An , Nha Trang và vài nơi khác nữa. Nhưng chỉ có Đà Nẵng phố xá cảnh quan tương đối sạch sẽ, nề nếp, người dân hàng quán thân thiện, giá cả phải chăng không chặt chém du khách. Còn đa phần các nơi khác ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng kém, các dịch vụ làm ăn chụp dựt, xem du khách là con mồi, nếu không cẩn thận dễ bị làm tiền trắng trợn.
Theo tôi khi lợi ich của một cá nhân, một tổ chức không gắn với lợi ích chung của đất nước,khi Nhân, Lễ, Nghĩa. Trí, Tín không còn được xã hội xem trọng, ta còn đau lòng nhìn thấy cảnh đất nước cúng ta nghèo vì dân ta không biết mua bán
Dân ta đang vướng vào cái vòng lẩn quẩn: nghèo nên phải gianh sống, giành cái trước mắt và không nhìn cái lâu dài... Nghèo lại hoàn nghèo! Có lẽ vì chiến tranh dân ta quen không suy tính lâu dài. Có thể giữa vận hội kim tiền ai cũng muốn thoát nghèo và không cưỡng lại được lòng tham. Cũng có thể vì dân trí, nhận thức kém dân mình không thấy được hậu quả sau này. Có nhiều lý do để biện bạch nhưng cuối cùng thì dân mình phải trả giá cho cái mình làm. Đó là lẽ tất nhiên!
Trả lờiXóaCái tôi nghĩ mình nên làm là cho lớp trẻ thấy cái hay, cái giỏi của người mà sửa đổi - tỉ dụ người Hoa tại Việt Nam không động lòng trắc ẩn dễ dàng để bị lợi dụng, họ cho cần câu chứ không cho cá như những 'đại gia' Việt Nam. Mình có thể học từ người Hàn, người Nhật, người Mỹ, người Do Thái... để bớt ngu đi. Thành thật xin lỗi các bạn khi phải dùng chữ ngu này. Đau lòng lắm, các bạn ạ!