Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Học Để Làm Gì?

Thấy bạn Việt Trúc đóng góp nhiệt tình với đề tài Đi, Đi Đừng Về mà thương quá. Cảm động thực đấy. Bài viết rất quy mô, nói lên tấm lòng của Việt Trúc đau đáu với cái gọi là nguyên khí quốc gia! Đề tài ấy chưa có câu kết mà có lẽ sẽ không có câu kết vì tùy góc nhìn của mỗi người. Hôm nay xin được mở một đề tài có ảnh hưởng lớn đến góc nhìn của mỗi người. Đó là học để làm gì?



Cha mẹ chúng ta thường bảo học để cho ấm tấm thân con à. Ừ, cũng đúng thôi. Thế các bạn, sau bao năm đèn sách, thân có ấm không? Có lẽ một số bạn may mắn được như vậy nhưng hầu hết chúng ta, nhất là riêng tôi, chả thấy thân ấm gì mà đầu thì càng lạnh ngu đi. Cố học thêm một chút lại thấy ngu thêm chút nữa. Ôi, thế học để làm gì nhỉ?

Có bạn sẽ nói rằng đời là một cuộc tranh đấu không ngừng. Mình học để bớt ngu đi và cứ phải học hoài, học mãi. Nghe cũng đúng đấy. Nó giống như ai đó nói cái học như thuyền đi nước ngược, không tiến ắt thoái. Chả cãi vào đâu được! Thế có bao giờ bạn nghĩ tại sao mình cũng học như người ta mà cứ mãi thoái sau đuôi, thậm chí sau xa đến nỗi không thấy cái đuôi của họ. Chúng ta cắm đầu học chỉ để nhìn thấy trước mình là bể học mênh mông và mình chả chọn được học cái gì, học thế nào. Càng học càng ngu.. Hu hu!

Tôi nhận ra cái 'ngu học' của mình là ở chỗ đó. Này nhé cứ đếm thử bao nhiêu ngôn ngữ tôi đã học: Hán, Latin, Anh, Pháp, Nga, Đức, Thái.. Tốn bao thời gian, công sức để rồi cuối cùng biết sử dụng hữu ích được gì cái học ấy cho mình và xã hội? Bạn sẽ đổ tại trường, tại thày, tại cha mẹ, thời cuộc.. Thế chủ đích bạn đã tự chọn ngôn ngữ nào và hôm nay trình độ tới đâu? Nếu so sánh với cách dân Âu Mỹ học sinh ngữ, chúng ta đã cắm đầu học, học rất cần cù, vất vả mà cuối cùng trình độ của mình vẫn sau đuôi họ. Là thế!

Ngày xưa khi học kỹ nghệ sắt tại trường Cao Thắng, thày chỉ các em dao nào tiện sắt, cái nào tiện đồng rồi dạy cách tiện. Có một trò ranh mãnh hỏi thày dao nào tiện cái dao tiện hả thày. Cả lớp cười ngô nghê. Thày ú ớ một lúc rồi nói cái này mình không làm được, phải nhập về.. Không ai hỏi nữa nhưng rõ ràng trò hỏi câu đó có cái nhìn sâu sắc! Tôi không thấy thày đá động gì đến câu hỏi đó sau này. Có lẽ thày không tìm ra câu trả lời cũng nên..

Khi rời trường, tôi vào đại học tài chính, trong đó có môn kế toán. Khóa cử nhân ấy dạy cho tôi cách lập bảng kết toán cuối cùng (final accounts). Khi đi làm, tôi cần mẫn cộng trừ cho đúng, cân bằng rõ ràng, chính xác mới nộp bảng này cho xếp. Nó bảo sai, lợi nhuận phải là con số này cơ. Tôi hỏi tại sao con số đó. Nó bảo cứ làm con số đó, mày bây giờ chưa biết, làm riết rồi sẽ biết!

Vài năm sau, hãng gởi tôi đi học cao học quản trị kinh doanh (MBA). Tại đây, giảng sư nó tuyên bố tôi không dạy các anh lập kế toán cuối cùng mà là chọn con số cuối cùng. Con số đó các anh nhìn trên thị trường thấy tốt nhất cho cổ đông và giao bọn kế toán để chúng nó cộng trừ cho ra. Thế đấy! Cái học cử nhân bao năm của tôi bỏ vào sọt rác. Đau!


Con người mình sinh ra vốn đã dốt (nhân chi sơ tính bản dốt, he he..) mà dân mình lại dốt hơn thì phải học. Học để bớt ngu đi bạn ạ nhưng khi học cũng nên dòm xem người ta học thế nào, tại sao để biết cái gì còn ngu hơn họ mà sửa lại cái học của mình. Cũng đừng có tin vào lý thuyết, sách vở (xin miễn cho tôi chỉ ra lý thuyết, sách vở gì!) mà phải có tư duy, sáng tạo. Như ai đó đã nói đọc sách mà tin vào sách thì thà đừng có sách. Bạn nghĩ thế nào?
VTH

6 nhận xét:

  1. Hôm rồi ngồi viết tiếp ý kiến bài:"ĐI ĐI, ĐỪNG VỀ " , chuẩn bị gởi lên, bị sự cố xóa hết, tự nhiên không còn hứng thú viết lại.
    Nay vào Blog Caothang 76 thấy Hiệp viết tiếp một số bài để bạn bè thảo luận, mấy hôm rồi chẳng thấy ai có ý kiến gì. Bạn bè thường xuyên vào Blog giao lưu là Ngũ Nương Cao Thắng, có lẽ các nàng bận rộn chăm cháu nên những đề tài đòi hỏi suy nghĩ mất thời gian để viết không hợp. Còn VT, có khiếu viết hấp dẫn. sâu sắc,chẳng thấy tham gia.Thôi, thì cố vậy kẻo Hiệp buồn, độc diễn hoài tội nghiệp.
    HỌC ĐỂ LÀM GÌ
    Theo tôi đa số cha mẹ quan niệm cố cho con học để sau này ấm thân, làm rạng rỡ gia đình. Yêu cầu con cái có thành tích trong học tập, thi đậu vào các trường Đại học mà sau này tốt nghiệp bảo đảm chổ làm có thu nhập cao, dễ thăng tiến trong xã hội.
    Còn nhà trường xem kết quả học sinh đậu vào các trường Đại học là mục tiêu để phấn đấu, kiềm cặp học sinh để các em thi đậu Đại học, trường càng có tiếng càng tốt, do đó tập trung dạy các môn tự nhiên là chính, ( Toán, Lý Hóa, Sinh,..) xem nhẹ việc dạy các môm xã hội ( Văn, Sữ, Địa ) . Dạy và học như thế là dạy lệch, học lệch, hậu quả lớp người này nhân cách lệch đi, xã hội phải nhận lãnh.
    Từ đó việc dạy thêm, học thêm tràn lan, ở cấp tiểu học các cháu đã phải đi học thêm Toán, Ngoại ngữ . Còn cấp II, cấp III thì khỏi nói, thầy cô đua nhau mở lớp, cha mẹ chạy tiền mướt mồ hôi trả học phí cho con.
    Ai cũng than phiền xã hội bây giờ người ta sống thực dụng quá, đạo đức xuống cấp nhưng nuôi dạy đứa trẻ lớn lên thành người đường hoàng, yêu đất nước, có trách nhiệm với cộng đồng có mấy ai quan tâm đâu.
    Tôi còn nhớ lúc học Tiểu học, khi thầy giáo đọc chuyện EM BÉ TRINH SÁT trong TÂM HỒN CAO THƯỢNG, nhiều người đã khóc và hình như lòng yêu nước của cậu bé đã truyền vào tâm hồn non nớt của chúng tôi. Hay ở Trung học đệ nhất cấp , khi phân tích các truyện ngắn trong GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA của Thạch Lam, truyện Anh phải sống trong tập truyện ANH PHẢI SỐNG của Khái Hưng, tôi thổn thức thương cảm cho số phận hẩm hiu của mẹ con nhà mẹ Lê, thương và cãm phục trước cái chết của vợ bác phó nề Thức, ước muốn lớn lên làm cái gì đó để không còn cảnh khốn khó của con người.
    Thế hệ con tôi, các môn xã hội không được xem trọng, ta tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, con tôi có được dạy kỷ lịch sữ dân tộc đâu. Văn học , chỉ học phân tích các tác phẫm đấu tranh, có lý tưởng CM, liệu thế hệ con tôi có được cãm xúc như tôi trước đây hay không, có lẽ không. Vậy lòng yêu nước, sống tử tế của thế hệ con tôi được nuôi dưỡng như thế nào nhỉ ?
    Quan niệm phổ biến của đa số bây giờ là,cố gắng cho con học để được vinh gia, phì thân sau này, chớ mấy ai quan tâm nuôi dạy cho ăn học để hiểu biết lớn lên thành người sống tử tế với gia đình , đất nước và xã hội đâu.
    NĐH

    Trả lờiXóa
  2. Đất nước hưng vong sĩ phu hữu trách. Câu nói ấy từng là gối đầu giường của kẻ sĩ. Ngày xưa sĩ phu là người có học rất ít, chỉ vài phần trăm dân số nhưng ý thức trách nhiệm với xã hội lại rất cao, tôi nghĩ ít ra cũng có trên 80 phần trăm sĩ phu lúc ấy tham gia đóng góp cho làng xóm. Ngày nay người có học đã tăng lên đáng kể, không dưới 80 phần trăm biết đọc, biết viết nhưng ý thức trách nhiệm đối với xã hội rất nhỏ nhoi, có lẽ không tới 10 phần trăm nghĩ mình có bổn phận gì! Buồn nhỉ? Thôi thì tặng bạn bài thơ cho vơi nỗi buồn...

    Học là học để sướng thân tôi
    Bất cần đất nước tiến hay lùi
    Một bày trẻ nít tha hồ móc
    Ba lũ giáo trường mặc sức moi
    Càng học càng ngu ôm nghèo đói
    Cứ cày cứ chạy bám đua đòi
    Nhà nhà rực rỡ bằng chói lọi
    Long lanh khóe mắt.. khóc hay cười?

    Trả lờiXóa
  3. Con người sinh ra đời luôn có khát khao được hưỡng hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc cho chính họ nhưng mỗi người có cãm nhận khác nhau về nó. Có người chỉ cần bãn thân họ hạnh phúc là đủ, có người thì chỉ cãm thấy hạnh phúc khi cã gia đình họ hạnh phúc còn lại thì mặc kệ, có người chỉ thấy hạnh phúc viên mãn khi tất cã mọi người xung quanh hoặc rộng hơn là cã xã hội loài người được hạnh phúc. Vì khác nhau trong sự cãm nhận và cã quan niệm về hạnh phúc nên con đường đi tìm hạnh phúc và sự ứng xữ cũng sẽ khác nhau.

    Như vậy mọi hoạt động của con người từ chuyện học hành, làm việc, sinh hoạt và quan hệ xã hội đều bị chi phối bỡi cãm nhận hạnh phúc này và như thế thì cũng sẽ có sự ứng xữ khác nhau của mỗi cá nhân.

    Dĩ nhiên sống trong xã hội loài người thì nếu xã hội luôn quan tâm đến nhu cầu và quyền lợi cá nhân thì mọi người sẽ hạnh phúc, còn nếu ai cũng chỉ bo bo lo riêng cho mình mà không nghĩ gì đến xung quanh thì xã hội dần sẽ trỡ nên vô cãm và rồi sẽ ảnh hưỡng ngược lại đến từng cá nhân.

    Chúng ta có thễ buồn và trách những kẻ ích kỷ không lo đến cái chung nhưng xét về tình thì do họ cãm nhận khác chúng ta nên họ ứng xữ khác, về lý thì miễn là họ tuân thủ đầy đủ về luật pháp và nghĩa vụ công dân thì họ vẫn là công dân tốt....nhưng chắc chắn không thể xem là bạn bè, hàng xóm, anh em, bà con hay đồng nghiệp tốt. Xã hội nào cũng có đầy những kẻ ích kỷ như vậy, có lẽ mình cũng cần học cách chấp nhận thực tế đó cho bớt bực mình mà còn được tiếng là rộng lượng hi hi hi....

    Trỡ lại chuyện học hành thì có thễ trã lời rằng ta nên học cái gì mà bản thân ta thấy thích hoặc thấy lợi ích nhất cho mình, bỡi vì tuỳ mục đích mà ta chọn cách học, kiểu học như thế nào. Có nhiều mục đích như học đễ có thêm kiến thức trong công việc, học đễ thoả mản những đam mê khoa học, học đễ có bằng cấp cho bằng anh bằng em, học đễ tìm được việc làm v.v.....

    Người ta nói học mà tin vào sách thì thà đừng có sách là chính xác rồi vì dù cá nhân tác giả là ai đi nữa, nếu ta tin vào đó chẳng khác nào tin tuyệt đối vào một cá nhân. Ngay cả đức Phật cũng nói rằng " ngươi chớ vội tin vào lời ta nói mà hãy tin vào chân lý ngươi tìm được trong đó ". Khoa học là như vậy, ta chỉ tin vào điều gì đó sau khi suy xét kỷ lưỡng vì dù ai viết ra cuốn sách đó thì cũng chỉ là một cá nhân mà cá nhân thì sẽ bị hạn chế về nhiều mặt, người ta chỉ có thể tin vào chân lý mà thôi. Có thễ nói đức tính tốt nhất của nhà khoa học là luôn hoài nghi về "chân lý ".

    Ôi phải chi lòng được thảnh thơi
    Năm canh bớt nặng nỗi thương đời.

    Các bạn của tôi ơi ! người có tinh thần bao la vì cộng đồng và xã hội như vậy sẽ phải chấp nhận một thực tế là không bao giờ được yên lòng trong cuộc sống và cũng sẽ luôn chịu sự cô đơn không biết chia sẻ với ai và như vậy thì cũng luôn khó cãm nhận được hạnh phúc. Xã hội vốn dĩ như vậy, con người vốn dĩ như vậy mà. Hãy bằng lòng với cái mình đang có thì các bạn sẽ hạnh phúc hơn. Các bạn nên nhớ rằng nếu các bạn được hạnh phúc thì thế gian này sẽ bớt đi người đau khổ và như vậy là các bạn đã góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc rồi đó he.he.he....

    Sáng hôm nay tôi định vui hưởng hạnh phúc của mình bằng cách là nằm khoèo trên giường mà đọc truyện thì đọc cái comment của anh Hầu và anh Hiệp nên cũng bức xúc mà viết những dòng này. Viết rồi mới thấy rằng mình vừa buông bỏ hạnh phúc này đễ lấy hạnh phúc khác, thì ra trao đổi với anh em bạn bè cũng là một loại hạnh phúc vậy.

    Trả lờiXóa
  4. Bạn Việt Trúc có cái nhìn rất thoáng, bao dung với mọi quan niệm sống và mong mỏi mọi người có cái hạnh phúc riêng của chính mình khi theo đuổi một công việc nào đó mà ở đây là việc học miễn sao họ không vi phạm pháp luật. Về lý, chẳng ai cãi được nhất là ở phương tây nơi mà chúng ta không cảm thấy gắn bó với 'tiền đồ' của đất nước ấy và càng không cảm thấy bức rức với những thống khổ của dân tộc ấy trong quá khứ.

    Trong cộng đồng người Việt nó không như thế. Chính cái tình - tình bè bạn, đồng môn, đồng bào.. - đã bó chúng ta lại với nhau, cùng chia sẻ nỗi đau cũng như hạnh phúc chung để từ đó chúng ta có những ước mơ và rồi hành động cho ước mơ đó của mình. Thực thế, bạn có thể quên đi nỗi đau cũng như hạnh phúc đó không? Bạn có thể cố quên để tồn tại ở xứ người nhưng tự đáy lòng tôi tin rằng bạn vẫn ôm một ước mơ nào đó cho cái chung của dân tộc. Đúng thế không?

    Trả lờiXóa
  5. Học để làm gì ?

    Nếu ai cũng nghĩ , học để sau có bằng cấp,có điều kiện tìm việc làm tốt để ấm thân sau này rồi chăm chăm nuôi dạy đứa trẻ với mục đích như vậy và đứa trẻ cũng tập trung cho mục đích duy nhất đó, tôi nghĩ như vậy là không ổn.

    Hệ lụy gia đình phải nhận lãnh, qua báo chí đưa tin nhiều người có học vị cao, có vị trí trong xã hội, nhưng đối xữ tệ bạc thậm chí ngược đãi cha mẹ khi tuổi về già hay năm ngoái tôi đọc trên báo bài viết của một cựu du học sinh CHDC Đức mô tả cảnh tranh nhau lấy thức ăn trong tiệc Búp- phê do tòa dại sứ CHLB Đức chiêu đãi trong buổi họp mặt cựu du học sinh do tòa đại sứ tổ chức.
    Những người như vậy tôi không tin việc làm của họ xuất phát từ tấm lòng mà ở họ mỗi công việc điều đắn đo lợi hại gì cho cho bản thân là điều đầu tiên họ nghĩ tới.

    Học để tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, đó là suy nghĩ đúng, nhưng để sống có ích cho gia đình xã hội đâu chỉ là kiến thức khoa học, trình độ chuyên môn. Phải còn là người có văn hóa ứng xữ, sống tử tế với người xung quanh, khi trưởng thành những việc làm lợi ích cho bản thân gắn liền với lợi ích của nơi mình làm việc, của xã hội,của đất nước. Tôi nghĩ gia đình, nhà trường và xã hội phải nuôi dạy để đứa trẻ trưởng thành như vậy.

    Hôm qua trên Facebook tôi thấy đăng hình một cậu học sinh cao lớn ngồi trên xe gắn máy để cho người mẹ thấp bé hơn đẩy trên đoạn đường ngập nước, và lâu rồi tôi dứng chơi ở quán nước trước nhà có một chị mua ve chai vào mua 1 ngàn đồng nước mía chủ quán không bán, chị hỏi xin một ly nước uống đỡ khát. Sau đó chị hổi mua một hộp sữa dinh dưỡng đắc tiền cho con, tôi hỏi chị có con nhỏ ? Chị bảo không, con chị đã học tiểu học, nhưng chị mua cho con vì thấy con mình thua kém con người tội nghiệp. Cha mẹ bây giờ đa số nuôi dạy con như vậy, không biết trưởng thành các cháu có thấy sự hy sinh to lớn của cha mẹ để báo đáp hay tập thói ích kỷ cho các cháu.
    Nơi trường học, đội ngủ thầy cô bây giờ có tâm huyết dạy học trò nhân cách làm người không nhiều. Công việc dạy và học, Bộ Giáo Dục , Nhà Nước bàn tới bàn lui chưa biết sắp xếp chương trình như thế nào hợp lý, vậy nhà trường làm tròn chức năng của mình chưa ?
    Ngoài xã hội bây giờ đồng tiền được tôn vinh, ai cũng hối hả kiếm tiền, những đồng tiền sạch và tiền bẩn . Đời sống tốt xấu lẩn lộn, nhưng đáng buồn là xấu nhiều hơn tốt, liệu đứa trẻ có học được các tốt không hay chỉ tiêm nhiễm cái xấu.

    Ai cũng biết, cũng nói ; Học để tiếp thu kiến thức trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Học để trở thành hiền tài, thành nguyên khí quốc gia, nhưng....
    NĐH

    Trả lờiXóa
  6. Thằng em hàng xóm ghé tôi bảo giá mà em mù chữ thì đỡ khổ, anh ạ. Chưa kịp nghe tôi hỏi tại sao nó nói luôn biết đọc mới thấy xã hội bây giờ nhố nhăng, con nít hư hỏng nhiều quá nên buồn, đau lòng cho thế hệ mai sau! Nó nói cũng đúng nhưng vì buồn như vậy mà ước mình mù chữ thì không nên. Tôi cho rằng mình phải học, phải thấy và tìm một giải pháp cho vấn đề chứ không trốn chạy, quay đầu vờ không thấy, không biết như đà điểu chui đầu dưới cát.

    Tôi thông cảm với nó cũng như anh Hầu và tin rằng Việt Trúc cũng thế. Tôi đồng ý với cách nhìn của Việt Trúc và cho rằng xã hội vốn là như vậy, mỗi người mỗi ý - có tự do để theo đuổi hạnh phúc riêng mình miễn sao đừng vi phạm pháp luật.

    Cuộc sống không đơn giản chỉ có riêng mình. Con người luôn muốn vươn lên và xã hội luôn có những cạnh tranh, cạnh tranh giữa người với người, nhóm với nhóm, đoàn với đoàn... Chính vì thế, con người biết họp thành bày để có sức mạnh. Một người đương đầu với một nhóm người khó thắng. Mãnh hổ nan địch quần hồ là thế!

    Ngày xưa đi học để biết đọc, biết đếm cộng một với một thành hai. Ngày nay học ở trường đời ta thấy một với một không phải là hai mà là bất cứ số nào! Nó có thể là số không, một nửa hay hai rưỡi, thậm chí ba, bốn. Thực thế, kết đoàn tạo sức mạnh - tiếng Anh gọi đó là synergy. Hai người chung lòng với nhau sẽ có sức mạnh hơn sức của từng người cộng lại - thuận vợ, thuận chồng tát bể đông cũng cạn mà! Ngược lại, hai người sáp lại chém nhau thì kết quả là con số không, thậm chí âm, là chuyện rõ ràng.

    Ở đây, tôi muốn nói đến cái học để bớt ngu đi, để dân mình biết một mình mình sẽ chết trước làn sóng toàn cầu hóa. Hãy học người, biết gom sức mạnh của nhau để tồn tại. Nó không có gì linh thiêng, lý tưởng cả bởi lẽ trong cái tồn tại đó có ta. Tôi chỉ mong dân mình học thế thôi, các bạn ạ.

    Trả lờiXóa