Thời gian gần đây những vụ việc bạo lực trong trường học xuất hiện ngày càng nhiều. Qua các video clip sống động nên hình ảnh bạo lực càng làm mọi người xót xa và lo ngại hơn. Vụ việc này chưa xong lại nối tiếp vụ khác. Thậm chí những comment trên Facebook không còn bức xúc như trước nữa bởi vì tần suất dày đặc làm người ta bắt đầu lơ là.
Rõ ràng là chúng ta không có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. Phần lớn dư luận đều cho rằng trách nhiệm là ở nhà trường và giáo viên, kể cả những cá nhân có thâm niên trong ngành giáo dục cũng có suy nghĩ như vậy và hầu như tất cả biện pháp đưa ra cũng chỉ là khuyên răn, dạy bảo, gần gũi yêu thương v.v... Nói chung tất cả cũng chỉ là lời nói, là biện pháp mà chúng ta đã thực hiện từ bao nhiêu năm nay nhưng không mang lại hiệu quả.
Cũng như những lần trước đây phần lớn người ta lại nhằm vào giáo viên và đổ dồn trách nhiệm cho họ, trong khi nhân tố khác quan trọng không kém là gia đình và xã hội thì lại không chịu trách nhiệm cụ thể gì cả. Người giáo viên lúc này không chỉ lãnh nhiệm vụ giảng dạy mà còn phải đối phó với những học sinh cá biệt cùng những hành vi manh động của chúng trong lớp, có khi còn phải theo dõi quản lý cả ngoài tiết dạy.
Từ bao nhiêu năm nay trách nhiệm của giáo viên luôn quá sức so với quyền hạn và đãi ngộ dành cho ho. Người ta ca ngợi đến phát chán về sự cao quý của nhà giáo đến độ gần như mỉa mai khi mà sự đãi ngộ dành cho họ ngày càng kém so với các ngành nghề khác. Mặt khác sự ca ngợi quá đáng một ngành nghề này cũng có nghĩa là xem thường ngành nghề khác, điều này đi ngược lại sự bình đẳng về ngành nghề trong xã hội.
Người ta cũng hay viện dẫn đến truyền thống tôn sư trọng đạo của ông bà ngày xưa để ca ngợi nghề nghiệp này đồng thời tròng thêm cho họ trách nhiệm xây dựng nhân cách cho học sinh mà lẽ ra đây còn là trách nhiệm của gia đình và xã hội.
Cần phải nhìn nhận rằng vị trí của giáo viên ngày nay khác xa với ngày xưa. Trong nền văn hóa làng xã ngày xưa thì người thầy chiếm vị trí rất cao. Người học cao nhất làng chính là người thầy. Đây là nguồn tiếp cận kiến thức duy nhất trong làng, số lượng học sinh mà thầy có thể nhận cũng hạn chế, ngay cả ông phú hộ muốn cho con biết chữ cũng phải trà rượu, gà qué đến nhờ thầy giúp đỡ. Như vậy người thầy ngày xưa không phải tay lấm chân bùn vất vả, lúc nào cũng ăn mặc chỉn chu hơn hầu hết mọi người, lại có kiến thức bao trùm cả làng xã nên được xã hội trọng vọng là đương nhiên. Chỉ cần có thái độ thiếu lễ phép với thầy là đủ cho cả làng phỉ nhổ, tẩy chay. Quan hệ xã hội như vậy đã tạo cho người thầy có đủ quyền lực và điều kiện để giáo dục và răn đe lũ trẻ.
Ngày nay giáo viên cũng là một nghề nghiệp như bao ngành nghề khác trong xã hội. Nguồn kiến thức không chỉ từ người thầy mà còn từ nhiều phương tiện khác: người ta có thể chọn trường, chọn thầy. Rõ ràng, vị trí độc tôn đã không còn tồn tại nữa. Thời thế đã thay đổi, mối quan hệ xã hội cũng thay đổi. Cần phải trả người giáo viên về đúng nhiệm vụ chính là dạy học và họ sẽ chỉ chịu trách nhiệm xung quanh việc truyền đạt đầy đủ chương trình giảng dạy mà thôi.
Phải chăng sự giáo điều đã bén rễ thâm sâu trong mọi tầng lớp xã hội khiến người ta không chịu nhận ra rằng bất cứ sinh vật nào dù là con người hay cây cỏ trong tự nhiên đều sẽ có thành phần cá biệt hoặc dị biến. Người ta luôn cần có biện pháp đặc biệt để giải quyết trường hợp đặc biệt mà các biện pháp bình thường không thể mang lại hiệu quả được.
Nếu mọi người đều có thể nhờ giáo dục mà trở nên tốt đẹp thì cần gì phải có cảnh sát hay nhà tù. Trong xã hội chúng ta cần công cụ và biện pháp đặc biệt đó để răn đe và cách ly những thành phần cá biệt nhằm tạo môi trường an ổn và phát triển thuận lợi cho số đông còn lại thế nhưng trong lĩnh vực giáo dục thì lâu nay ta lại cứ buộc giáo viên phải tạo môi trường lành mạnh trong trường lớp mà không hề trang bị cho họ phương tiện để răn đe hay cách ly gì cả, trong khi ta phải hiểu một thực tế là những kẻ phạm pháp ngoài xã hội thường bắt đầu từ những học sinh ngỗ nghịch. Nếu chúng ta làm thay đổi được những học sinh cá biệt này thì chắc chắn trong tương lai xã hội sẽ bớt đi những kẻ phạm pháp.
Trong chuyện này chúng ta không cần tốn quá nhiều thời gian để tìm biện pháp. Hãy nhìn các nước phát triễn họ giải quyết vấn đề này như thế nào rồi học tập và làm theo họ.
Tôi không phải là nhà nghiên cứu giáo dục nhưng trước đây tôi đã từng là giáo viên nên khi sang định cư tại Mỹ tôi cũng chú ý đến cách giải quyết và xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật của học sinh trong trường tiểu học và trung học và vì con tôi đã trải qua thời gian học từ lớp 1 đến lớp 12 nên tôi có điều kiện quan sát những trường hợp xung quanh mình .
Ở Mỹ sự độc lập về quản lý giáo dục khá cao, tuy sẽ có những quy định tiểu tiết khác nhau ở mỗi học khu hoặc mỗi bang nhưng đương nhiên về cơ bản sẽ như nhau. Ở những nơi có đời sống kinh tế khá giả thì quy định về quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn nơi khác. Đây là điều rất quan trọng với người dân nhất là những người có con đang ở độ tuổi đến trường vì vậy trong quy định bán nhà cũng buộc ghi rõ là nhà đó thuộc ISD nào (independent school district), nghĩa là học khu nào? Cho nên vấn đề tôi nêu ra chỉ trong phạm vi xung quanh tôi chứ không phải của cả nước Mỹ .
Có thể nói đơn giản rằng "cưỡng bách giáo dục" là luật của nước Mỹ, điều đó có nghĩa là nếu bất kỳ ai vi phạm điều này là phạm pháp và sẽ bị xử lý bởi luật pháp. Học sinh tự ý nghỉ học là phạm luật. Học sinh đánh nhau, chửi nhau hoặc có những hành vi trái nội quy quy định được xem là làm cản trở sự giáo dục đối với các học sinh khác của nhà trường cũng có nghĩa là phạm luật.
Như vậy ai sẽ chịu trách nhiệm và pháp luật xử lý như thế nào để hạn chế tối đa những hành vi lệch lạc đó mới là chuyện quan trọng.
Nếu học sinh không làm bài tập, đi học trễ, hoặc nghỉ học không lý do là ngay lập tức nhà trường sẽ email cho bạn hoặc chậm hơn là gởi thư báo cho bạn. Bạn sẽ phải trả lời cho nhà trường về điều này. Nếu HS nghỉ không lý do 1 tuần lễ thì cảnh sát sẽ đến nhà hoặc nơi bạn làm việc và còng tay bạn tại chỗ. Bạn sẽ phải ra toà vì tội thiếu trách nhiệm với con cái. Nếu xét thấy bạn thực sự không đủ khả năng chăm sóc vì lý do chủ quan hay khách quan gì đi nữa thì bạn sẽ bị truất quyền nuôi con. Đứa trẻ sẽ được giao cho một gia đình tình nguyện nào đó hoặc cho một tổ chức của chính phủ nuôi dưỡng.
Trường hợp đứa trẻ ngỗ nghịch gây rối loạn và không tuân thủ nội quy thì bạn cũng sẽ ngay lập tức nhận được điện thoại và email của trường và sẽ phải gặp giáo viên phụ trách để trao đổi và cuối cùng phải là lời hứa giáo dục con em mình để nó không làm cản trở hoạt động giáo dục của lớp. Nhà trường có quyền từ chối nhận con của bạn nếu có đủ lý do rằng nó đã làm cản trở sự học hành của những HS khác. Như vậy nó sẽ phải đi học trường tư với số tiền học phí ngang với lương tháng của công nhân bậc thấp.
Tuỳ theo độ tuổi mà có nhiều loại trường tư dành cho HS, từ loại trường danh giá dạy giỏi mà HS phải thi tuyển vào với học phí khá cao, cho đến loại trường dành cho loại trẻ ngỗ nghịch. Dĩ nhiên ở loại trường thứ hai này thì biện pháp giáo dục sẽ không giống với trường bình thường.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên có thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì còn có loại trường đặc biệt hơn nữa, kỷ luật có lẽ không khác gì trại lính. Học sinh tốt nghiệp trường này thì con đường hoạn lộ coi như chấm dứt, chỉ còn cách lao động phổ thông với mức lương ba cọc ba đồng mà thôi vì chẳng công ty nào thích thú với nhân viên có "thành tích" như vậy.
Vì luật cưỡng bách giáo dục cho nên tất cả trẻ em phải được đến trường, nếu bạn không đủ tiền đóng cho con mình thì người ta sẽ ghi nợ cho bạn và bạn sẽ ôm món nợ suốt những năm sau đó, nếu chẳng may lương bạn quá thấp thì coi như sẽ phải trả nợ suốt đời.
Những nội quy quy định dành cho HS, phụ huynh và các quy định cụ thể liên quan đến sự quản lý của nhà trường đều được thông báo rõ ràng và đầy đủ khi nhập học và phụ huynh HS cũng đã ký tên chịu trách nhiệm ở đầu niên khoá.
Giáo viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi mà nhà trường quy định về giờ giấc và các chương trình nội dung giảng dạy, qua đó việc giáo dục về kiến thức và nhân cách sẽ được thực hiện. Ngoài ra không thể bắt họ chịu trách nhiệm hơn nữa được.
Cảnh sát cũng chỉ làm việc khi được thông báo của học khu giáo dục và sau đó toà án thực hành pháp luật căn cứ theo các điều luật cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ hoặc người bảo hộ.
Cha mẹ hoặc người bảo hộ của HS sẽ là người chịu trách nhiệm khi HS đến tuổi trưởng thành. Theo một lý luận đơn giản là nếu cảm thấy đủ sức chịu trách nhiệm thì hãy tạo ra nó và nếu đã tạo ra thì phải chịu trách nhiệm.
Dù người lớn hay trẻ con, người ta chỉ dám phạm tội khi nghĩ rằng sẽ thoát hoặc sẽ không bị trừng phạt. Nếu chắc chắn rằng mình sẽ bị trừng phạt đích đáng thì hiếm có người dám vi phạm.
Trước viễn cảnh đen tối như vậy thì bao nhiêu HS dám sử dụng hành vi phạm quy trong trường học? Trước quy định nghiêm ngặt về trách nhiệm của cha mẹ như vậy thì bao nhiêu phụ huynh dám lơ là trong chuyện giáo dục con cái? Đó mới thật là sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Mỗi một thành tố giáo dục đều có trách nhiệm của riêng mình được luật pháp quy định cụ thể. Những vụ việc phát sinh sẽ dễ dàng xác định trách nhiệm thuộc về ai.
Thực hiện được điều này thì dù HS có muốn trốn học cũng không có nơi đến vì chỉ cần xuất hiện ở đâu đó là sẽ bị phát hiện ngay lập tức, ngay cả người dân thường cũng có thể báo cảnh sát khi thấy hiện tượng trẻ nhỏ vẫn còn nhởn nhơ bên ngoài trường trong giờ học.
Thật ra biện pháp quản lý trên đã được thực hiện ở hầu hết các nước phát triển, có nghĩa là những nhà quản lý và nghiên cứu giáo dục của VN khá rõ về điều này nhưng phần lớn mọi người vẫn cố tình không đụng chạm đến vì lẽ nhiều cây đa, cây đề trong ngành giáo vẫn quan niệm rằng "trường học là nơi giáo dục nhân cách cho HS, nếu đẩy ra khỏi trường có nghĩa là việc giáo dục đã thất bại, có nghĩa là tạo thêm một mầm móng bất ổn cho xã hội". Suy nghĩ này tồn tại từ rất lâu trong xã hội VN, có thể nói rằng nó tồn tại đồng thời với những ảo tưởng về sự ưu việt của chế độ XHCN, làm thay đổi nó có nghĩa là đi "chệch hướng".
Ngày nay mọi chuyện đã thay đổi: "kinh tế quyết định chính trị". Vâng! vấn đề cốt lõi là kinh tế mà VN đã dám thay đổi để trở thành kinh tế thị trường và gần đây các thành viên hàng đầu của chính phủ còn đòi cắt bỏ nhóm từ "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" vậy thì việc thay đổi tư duy cũ kỹ về quản lý giáo dục như trên chỉ là chuyện rất nhỏ. Tuy rất nhỏ nhưng nếu thay đổi được nó sẽ tạo ra thành quả lớn cho xã hội.
Việt Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét