Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

VÀI DÒNG CẢM NHẬN

Háo hức chờ đi...
Chuyến đi vừa qua để lại anh em tôi nhiều ấn tượng vui buồn. Vui khi tuổi này còn được bên nhau, chia sẻ những khát khao mơ ước, chung nhau chọn lựa từng nơi ăn chốn ở. Vui vì được thấy những nét đẹp quê hương từ cao nguyên Tây Bắc đến cát biển Trung Du, từ núi rừng thôn quê đến con người thành phố. Buồn khi thấy những cảnh đẹp, nét cổ của núi sông không được giữ gìn, tôn tạo xứng tầm. Buồn khi thấy công trình ngàn tỉ mất đi hoang phí. Dù sao đi nữa, đâu cũng là quê hương với bao thân thương gắn bó... Chúng tôi góp nhặt những cảm nhận của mình nơi đây để chia sẻ cùng các bạn:
  • Hà Nội có rất nhiều công trình cổ kính nhưng chưa được bảo tồn, tôn vinh đúng mức: ba mươi sáu phố phường đang tàn lụi, phố cổ đang biến thành hẻm cũ hoang tàn, chùa Một Cột nhỏ bé giấu mình sau các toà nhà bê tông hoành tráng, lá phổi thành phố như hồ Gươm, Trúc Bạch bị ô nhiễm, cá chết phập phồng, Văn Miếu uy nghiêm lại bị phóng uế bừa bãi quanh khuôn viên, dân tứ xứ đổ về không ai buồn giữ nét Hà Nôị xưa. Tuy vậy, Hà Nội không hối hả, xô bồ như Sài Gòn và vẫn còn chút lịch lãm của thủ đô ngàn năm văn vật.
Con người của Hà Nội xưa...
  • Lào Cai đang phát triển nhưng trở nên phức tạp với tệ nạn xã hội. Trong khi đó, Sapa vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ, dân tình thân thiện, kiến trúc Pháp cùng với thời tiết ôn đới se mát lôi cuốn du khách Âu Châu. Cái lạ là ở đây giá cả không rõ ràng, đôi lúc chặt chém. Đời sống dân, nhất là Hơ-Mông, còn tương đối thấp nhưng họ biết tôn thủ pháp luật nên Sapa khá sạch sẽ, ngăn nắp. Tiếc là không thấy có chính sách của chính quyền điạ phương để họ tham gia đóng góp và xây dựng.
Thị trấn Sapa, Lào Cai
  • Quảng Ninh phát triển khá rõ ràng ở bốn thành phố: thương mãi Móng Cái, công nghiệp Cẩm Phả, du lịch Hạ Long, tâm linh Uông Bí. Đời sống dân ở đây tương đối khá và ổn định. Trong đó, Hạ Long xứng đáng là thành phố du lịch vì là một trong bảy kỳ quan thế giới, dân tình vui vẻ, thành thật, dễ mến, nhà hàng khách sạn giao thông đầy đủ, giá cả hợp lý.
Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh
  • Ninh Bình đang vươn lên với nhiều danh lam thắng cảnh, công trình xây cất rầm rộ. Đời sống nông thôn đã khá hơn nhưng hạ tầng cơ sở cho du lịch còn thiếu thốn, chưa có phương tiện công cộng, quán ăn, nhà nghỉ nghèo nàn. Dân mua bán chèo kéo ở những khu du lịch nhưng tuyệt nhiên không có trong thành phố. Có lẽ chính quyền điạ phương chưa để tâm đến việc này.
Nhà thờ đá Phát Diệm, Ninh Bình
  • Đà Nẵng không có nhiều danh lam thắng cảnh nhưng qui hoạch có tổ chức lớp lang. Lãnh đạo kết hợp được mọi tầng lớp xã hội tham gia nên thành phố xanh sạch an toàn thông thoáng, dân tình thoải mái chân thành, giá cả rõ ràng phải chăng. Du lịch có tiềm năng nhưng thành phố có vấn đề trong tương lai khi chỉ thấy phát triển các khu dân cư mà không thấy có công nghiệp.
Chùa Linh Ứng, Đà Nẵng
  • Quảng Nam, nhất là Quế Lộc quê anh Hầu, đẹp tự nhiên, người dân đôn hậu, xóm làng nề nếp 'thời Nghiêu Thuấn nhà thường bỏ ngỏ', đồ ăn thức uống rẻ mà ngon và lành. Vùng rừng núi này có suối nước nóng, nước lạnh từ thượng nguồn nên rất sạch nhưng để phát triển chính quyền phải đầu tư rất nhiều vào hạ tầng cơ sở. Chính sách tam nông có giảm bớt khó khăn nhưng để thay đổi toàn diện có lẽ phải đợi thêm ít năm nữa.
Quế Lộc, Nông Sơn, Quảng Nam
Nhìn chung, mỗi nơi có cái hay, cái đẹp riêng nhưng nếu bình chọn điểm đến tốt nhất cuả Việt Nam có lẽ chúng tôi sẽ chọn Đà Nẵng. Nơi đây cái đẹp không phải chỉ của trời ban mà còn do con người. Lãnh đạo thành phố đã cố gắng liên tục và sự tiến bộ này là của từng cá nhân, từng cộng đồng, từng tầng lớp xã hội ở Đà Nẵng. Ở đâu cũng có khó khăn nhưng Đà Nẵng đã vượt qua đi trước. Đây là thành quả đáng hãnh diện của thành phố và là bài học phát triển cho toàn quốc.

Bình bầu tốt nhất
NĐH-VTH

6 nhận xét:

  1. Hai cặp đôi Hầu- Hiệp và phu nhân không chỉ du lịch cho riêng mình mà còn ghi dấu những vết chân dọc đường đất nước (qua những bức hình);nói lên cảm nghĩ và trăn trở với quê hương chia sẻ cùng bạn bè năm châu bón biển .
    Mình ở nhà cũng được thăm quê ké cùng các bạn .
    Chúc các anh ,các chị vui và hạnh phúc !
    Phạm Chơn

    Trả lờiXóa
  2. Anh Chơn mến, chúng mình chia sẻ để hạnh phúc được nhân đôi.. Anh có caí nhìn riêng, chúng tôi cũng thế. Mình có hai cái nhìn qua một công việc. Tôi đề nghị anh đóng góp một bài, đại khái là 'Bước Đường Kinh Doanh Trên Từng Cây Số' kể về cách làm ăn, tiền vô thế nào... để anh em cùng chia sẻ, hạnh phúc nhân đôi nha. Thân

    Trả lờiXóa
  3. Anh Hiệp thân mến !Nếu nói KD là tính toán thiệt hơn thì ai trong chúng ta đều là nhà KD-Kể cả anh đi tu cũng không ngoài mục đích bỏ hại tìm lợi .Có những cái chỉ lợi cho bản thân mình ,có những thứ lợi lạc cho nhân quần xã hội .Thường thì người ta tung hô cho những ai phục vụ cho loại lợi lạc thứ hai còn dè bỉu loại thứ nhất ,cho là ích kỷ .Nhưng tương quan xã hội thì trong cái chung có cái riêng và trong mổi cái riêng đều bị chi phối bởi cái chung .
    Ví dụ chuyến du lịch của bốn bạn là chuyện riêng của bốn bạn nhưng qua chuyến đi các bạn nêu lên cho mọi người thấy được cái hay chổ này ,cái dỡ chổ kia còn tồn đọng trên quê hương mến yêu để mọi người hiểu và cũng có thể có tác dụng làm cho quê hương mổi ngày một đẹp thêm -Đó là cái chung chứ không còn là việc rieng của các bạn nữa ...
    Còn chuyện KD thì hầu như nó xưa như trái đất ,ai cũng biết nhưng khó nói hết ý lắm anh Hiệp ơi !
    Thân chào anh!
    Phạm Chơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý hoàn toàn với anh Chơn. Trong cái chung có cái riêng và trong mổi cái riêng đều bị chi phối bởi cái chung. Mỗi người chúng ta có ý thích và mục đích riêng. Mình thích cái này người thích cái khác nhưng nếu chúng ta chia sẻ cảm nhận với nhau thì cuộc đời sẽ ý vị hơn, kiến thức sẽ thêm phong phú và con người sẽ thông cảm, hoà hợp hơn.

      Ví dụ anh thích kinh doanh tôi thích thơ văn. Anh có thể cũng thích thơ văn dù không nhiều bằng kinh doanh. Tôi thích kinh doanh nhưng không nhiều bằng thơ văn. Chúng ta chia sẻ cách sống và suy nghĩ. Anh chia sẻ ít nhiều kinh nghiệm kinh doanh của mình trên thơ văn. Tôi hiểu hơn về lãnh vực của anh, thông cảm với anh hơn và có thể viết chút đỉnh về kinh doanh. Cả hai cùng thăng tiến.

      Chuyện kinh doanh có thể xưa như trái đất nhưng hấp dẫn đến muôn đời. Chuyện Lã Bất Vi vẫn là đề tài muôn thuở. Tôi tin rằng anh có nhiều chuyện để kể anh em nghe lắm. Rất mong bài viết của anh.

      Xóa
  4. Anh Hiệp ơi!Chơn muốn anh biết thật chính xác là Chơn làm KD chỉ là chuyện không thể không làm chứ thực chất Chơn chúa ghét nghề buôn .Ghét từ hồi còn nhỏ .Nhưng sự đời -ghét thứ nào trời trao thứ ấy .Công việc mình đang làm chỉ là thứ công việc tạm bợ qua ngày .Cái mình thích đó là văn chương nhưng lại không theo được nó như ý muốn của mình .Biết làm sao được ,âu cũng là nhân và duyên chưa có thì chờ vậy .
    Một vài năm nữa con cái đủ trí khôn mình sẻ bàn giao cho tụi nó và thực hiện ước mơ của mình .
    chúc anh sức khỏe và hạnh phúc !
    Phạm Chơn

    Trả lờiXóa
  5. Hữu duyên thiên lý năng tao ngộ! Tôi cũng chúa ghét nghề buôn mà cũng cứ phải đeo nó mãi. Không ngờ chúng mình lại chung số phận hẩm hiu ấy. Không biết việc làm tạm bợ của anh có ra trò không chứ của tôi thì chán lắm bởi vậy cứ ao ước mãi có ai chỉ lối... Anh chả muốn chỉ giáo thì cũng đành chịu thôi. Dù sao cũng cám ơn anh.

    Trả lờiXóa