Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

LÀ THI SĨ...

Từng đọc và rất thích thơ của Xuân Diệu, tôi cho rằng làm thơ phải lãng mạn nhưng tình cờ đọc bài thơ dưới đây của Trường Chinh tôi cảm thấy mình đã quên mất sức mạnh ý nghĩa của thơ ca. Xin trình làng bài thơ Là Thi Sĩ để chúng mình chia sẻ...

Nếu "thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây",
Ðể tâm hồn treo ngược ở cành cây
Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu;
Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu,
Nghĩa là van Thượng đế rủ lòng thương,
Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương,
Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ;
Nếu thi sĩ vùi đầu mài miết tả
Cặp "tuyết lê" hồi hộp trước tình yêu,
Cho cuộc đời là mộng ái cao siêu,
Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc;
Nếu thi sĩ nghĩa là đem gấm vóc
Phủ lên trên xã hội đã điêu tàn,
Véo von ca cho át tiếng kêu than
Của nhân loại cần lao đang giãy giụa;

Thì bạn hỡi, một nhà thơ như rứa...
Là tai ương, chướng họa của nhân quần,
Nhọc tơ lòng mà phí cả ngày xuân
Ðể ca ngợi bất công và tàn ngược;
Uốn gối trước cường quyền và mong được
Lượm hương thừa, phấn thải để qua ngày;
Khiến loài người đắm đuối và mê say,
Sống thoi thóp dưới gông xiềng nô lệ.

Không, không được! Hỡi các nhà văn nghệ,
Các nhà thơ yêu dấu của đồng bào,
Các nhà thơ trong sạch và thanh tao,
Hoa thơm ngát trong vườn xuân đất Việt!
Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;
Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
Yêu nhân loại, hòa bình và công lý
Cao giọng hát những bài ca chính khí
Của anh hùng đã vì nước quên mình,
Sống quang vinh mà chết cũng quang vinh,
Của Bãi Sậy, Thái-nguyên và Yên-bái...

Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới
Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch - đằng,
Ðể tâm hồn dào dạt với Chi-lăng,
Làm bất tử trận Ðống - đa oanh liệt,
Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết,
Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông;
Thả trái tim hòa nhịp với Ðô-lương,
Với Lục-tỉnh, Bắc-sơn và Ðình-cả.
Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa
Cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu
Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu,
Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ.
Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền,
Và lúc cần, quẳng bút lấy long tuyền
Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!
Thời rượu nồng, đệm gấm đã qua rồi.
Thôi thôi đừng khóc gió với than mây,
Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ.
Dùng thi khúc mà lạnh lùng soi tỏ
Những bệnh căn xã hội đã tràn đầy;
Cùng công nông vun xới cuộc tương lai
Ðã chớm nở từ Liên-xô hùng vĩ.

Hà Nội, tháng 6-1942

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

MẶT NẠ TRUNG THU

Chỉ còn một tuần nữa là đến Trung Thu và chúng mình không thể không nhớ đến chuyện rước đèn đêm ấy của tuổi thơ.

Rước đèn đêm Trung Thu

Cái vui sướng nao nao khi được làm đèn, đốt đèn, rước đèn và cả làm cháy đèn có lẽ không còn nữa với trẻ em hôm nay. Đèn bày bán đầy chợ nên không ai tự làm nữa. Đường phố giờ ít trẻ và thiếu an toàn nên trẻ không được rước đèn. Đèn không dùng nến mà dùng pin nên không cần đốt và bị cháy! Nhìn các cháu cầm đèn ngóng ra cửa mà thương quá. Tuổi chúng mình phần lớn đã có cháu nội, cháu ngoại cũng nên giúp các cháu có tí gì gọi là kỷ niệm với ông bà chứ, phải không?

Gần đây lớp trẻ bắt chước lễ Haloween của Tây phương đeo mặt nạ cho đêm Trung Thu. Để đáp ứng với thị trường, một số làng nghề gia truyền phiá bắc đã làm mặt nạ giấy bồi với hình ảnh Á Đông như thỏ, mèo, chị Hằng, chú Cuội...

Mặt nạ thỏ, mèo
Theo tôi, đây là một ý tưởng độc đáo. Chúng mình có thể cắt mặt nạ bằng giấy thật đơn giản theo hình ảnh con cháu mình thích, cho chúng tô màu rồi đeo mặt nạ ấy trong đêm Trung Thu. Các cháu sẽ phát triển trí tưởng tượng sáng tạo của mình, thả hồn trong đêm Trung Thu và sẽ nhớ mãi kỷ niệm êm đẹp ấy của chúng với ông bà sau này. Các bạn nghĩ mình có thể làm một cái mặt nạ cho cháu đêm Trung Thu này không?

Cắt bìa và các cháu tô màu
VTH

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

MỘNG NGÀY XANH


Dấu yêu một thuở chớm mong manh
Chim non chập chững hót trên cành
Mắt biếc mơ màng xây thiên lý
Chân quàng quờ quạng vẽ đường ranh
Đua trận thư hùng say tâm trẻ
Thoảng tà áo trắng ngất hồn xanh
Dăm cánh phượng hồng vương trong gió
Gợi nhớ hôm xưa giấc mộng lành
VTH

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

TÔI LÀ AI?

Jack Benny tên thật là Benjamin Kubelski. Năm lên 8, ông được bố tặng một chiếc đàn violin làm quà sinh nhật. Chiếc đàn có giá 50 đô la – cả một gia tài năm 1908 đối với một gia đình người Nga nhập cư. Jack chơi rất hay và khi ở tuổi teen, ông đã được chơi cho các buổi hòa nhạc lớn. Tuy vậy, ông cho rằng cây violin vẫn chưa thỏa mãn trái tim ông.

Một buổi tối, ông quyết định kể cho các khán giả của mình nghe về một tai nạn nho nhỏ đã xảy ra trong ngày. Khán giả cười ngả nghiêng. Ông kể lại "Âm thanh đó khiến tôi mê mẩn. Tiếng cười đó đã kết thúc sự nghiệp làm nghệ sĩ chơi nhạc của tôi”. Chính nó bắt đầu sự nghiệp của ông để trở thành một vua hài nổi tiếng của Mỹ - Jack Benny. Jack đã tìm ra được mình là ai và tất cả mọi việc như khớp vào đúng chỗ, đưa ông đến đỉnh vinh quang.

Jack Benny
Thật vậy, nếu bạn không biết bạn là ai, làm sao bạn biết mình có thể làm được gì? Không biết mình có thể làm được gì làm sao mơ ước, lấy gì làm đích đến của cuộc đời? Sống không có ước mơ là sống như đã chết nhưng sống không biết mình là ai để rồi mơ ước viển vông là chuốc lấy đau thương, thẩt bại.

Hôm nay ngày Quốc Khánh, ngày cả dân tộc khẳng định mình là ai. Bạn cũng nên tự tìm lại để biết tôi là ai. Đừng để một ngày nào đó nghe tiếng hát ai oán của Khánh Ly rồi gật gù theo lời nhạc:
Tôi là ai, là ai?
Sài Gòn gánh gió trên vai, mưa lầy lội.
Tôi tìm chập chùng dấu vết hươu nai...
Không ai chờ đợi hình dáng tôi phai!

VTH

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

THÔNG BÁO

Ban Tổ Chức Hội Ngộ 2013 tại Nam Cali thông báo quỹ còn dư một số tiền muốn gửi về giúp các thày cô, nhân viên và cựu học sinh Cao Thắng có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, ngày 24/07 vừa qua một buổi họp với sự tham dự của thầy Trần Phát Lạc cùng anh em đại diện các khóa gồm:

- Nguyễn Tấn Hưng (61-68) chủ trì buổi họp.
- Nguyễn Xuân Hưởng (54-61)
- Nguyễn Kiên Trung (56-63)
- Đặng Vĩnh Bữu (60-67)
- Trẩn Tỷ, Nguyễn Hồng Vân, Lê Thành Tài, Phạm Kinh Doanh (62-69)
- Nguyễn Thanh Toàn (65-70)
- Nguyễn Quang Minh (66-71)
- Đinh Tự Hoàng (67-72)
- Lê Quốc Thống, Nguyễn Lê Sơn (68-73)
- Huỳnh Tấn Lộc, Nguyễn Võ Văn (69-74)
- Trần Đình Đức, Đỗ Thọ Bình, Nguyển Thanh Nam (70-75)
- Nguyễn văn Hiếu, Võ Minh Thiện (71-76)
- Hai cô: Nguyễn Kim Hoa, Nguyễn Thoại Vân (74-76)

Buổi họp đã thống nhất:
1. Danh sách đề nghị các trường hợp cấp bách cần sự tương trợ tức thời của một số thầy và các đồng môn. Danh sách này sẽ được anh Tấn Hưng gởi đến BTC Hôi Ngộ 2013 tại Hoa Kỳ.
2. Số tiền tương trợ sẽ được xuất từ quỹ tại Hoa Kỳ và chuyển trực tiếp đến các địa chỉ nêu trong danh sách.

Do buổi họp không có được đại diện tất cả các khóa, danh sách đề nghị có thể còn thiếu xót một vài trường hợp. Nếu các bạn biết ai đó cần tương trợ xin hãy liên lạc gấp với:
Nguyễn Tấn Hưng
Email: tanhung6168@yahoo.com.vn
Đt: 0933 277 335
để kịp bổ sung vào danh sách.

Nhân dịp này tôi xin mạn phép thay mặt anh em cựu học sinh trong nước thành thật cảm ơn nhã ý tương trợ của quý thầy cô và đồng môn hải ngoại.

VTH

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

YÊU VÀ CHẾT TRÊN ĐẤT VIỆT

Ai nói già hết yêu? Robert Podunavac là người Mỹ, chuyên gia phần mềm của một cơ quan thiết lập bản đồ các vùng biển thế giới. Ông có hơn 40 năm rảo khắp các châu lục. Năm 2001 ông đến Việt Nam, gặp và yêu cô giáo Việt. Ông theo cô về quê để xin hỏi cưới theo thông lệ dân ta và nhận ra rằng miền đất này có quá nhiều để ông yêu. Càng ngày ông càng yêu đất Việt, phong tục và người dân Việt. Ông xin được định cư và chết tại Việt Nam!

Xin được định cư và chết ở Việt Nam

Từng có hai đời vợ, vợ đầu là người Hàn Quốc khi ông tòng sự ở đó và người vợ sau là cảnh sát Mỹ. Công việc tất bật, một tháng họ gặp một lần, hẹn nhau ở quán rượu nào đó. Cha mẹ, anh ruột của bà vợ bị ung thư. Bà đau khổ, muốn tìm cái chết. Thương quá, ông cưới. Bà ta bỗng đổ bệnh nghiện rượu, say liên tục, khắp nhà chỗ nào cũng có vỏ Whisky. Ông đem giấu, bà lại đem cất vào tủ quần áo. Can không được, ông đành ly dị.

Qua Việt Nam ông gặp gia sư tiếng Việt, Lư Hà Thy Nhơn, tại Sài Gòn. Ông yêu bởi cô là giáo viên, thông minh, đời nhiều uẩn khúc nhưng rất chân thành. Cô có một đời chồng với ba đứa con. Vì khó khăn nuôi con ăn học ở quê, cô lên Sài Gòn kiếm sống. Cô không muốn tái giá nhưng Robert theo đuổi cô quá. Để thử lòng, cô đòi Robert về quê xin cha mẹ hỏi cưới và để Robert thấy cảnh khổ của dân quê, phong tục khắt khe của làng và nhất là gánh nặng ba đứa con.

Trái với suy nghĩ của cô, về quê ở Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam Robert càng yêu cô hơn vì mảnh đất, tình người, nếp nhà, quê thói! Ông mua sắm dụng cụ cho dân làng, cuốc đất, cày ruộng với họ. Ông mê chùa, bái lạy còn hơn cả cô. Ông chuộc lại mảnh đất mà mẹ cô đã bán vì túng thiếu, xây nhà, trồng lúa, nuôi gà vịt trên đó. Ông chu cấp cho mẹ con cô. Có lẽ yêu người thì mến đất nhưng cô không còn lý do gì để từ chối tình yêu mãnh liệt của Robert. Họ cưới nhau khi Robert đã 73 tuổi, cô 41.

“Tôi đi nhiều nước, nhưng thích nhất người Việt Nam vì họ quá thân thiện. Vùng đất Tam Lãnh này quá yên bình, cây xanh nhiều. Tôi thích”. Ông trầm ngâm rồi nói tiếp rằng, ở Mỹ ông không có vợ con, lại là con út trong gia đình. Anh chị ông đã chết hết. Nếu ông chết, ai là người an ủi linh hồn ông khi con cháu ông không bao giờ nghĩ đến chuyện đó? Lại nữa, ở bên đó, chết là thiêu, đổ biển, ai giàu có thì mua đất chôn nhưng có thời hạn. Ông thì thích có mồ mả! (*)

Ước mơ được yêu và chết tại Việt Nam
Cô Nhơn đã xây sẵn mộ cho ông. Ông rất xúc động: “Tôi đến đây, thành người thân trong nhà Nhơn, cả bây giờ lẫn khi chết, gởi thân xác cho gia đình Nhơn, tôi thấy tự tin và ấm áp. Tôi đã chuẩn bị hành trình khi nhắm mắt yên thân”. Khi được hỏi “Người phụ nữ này có vai trò gì với ông ?”, ông nhìn cô tràn ngập yêu thương: “Mở mắt ra, nhìn thấy Nhơn là tôi vui, đặt hết hi vọng ở em. Có em, tôi không lo gì cả. Tôi đã hai lần cưới rồi, dự định sẽ không bao giờ lặp lại nữa, nhưng khi gặp em, mọi suy tính không ngờ đổ vỡ tan tành. Đời, ba lần thì thôi, như người Việt hay nói, phải không?”(*).

Ước mơ của ông già Robert đơn giản chỉ là được yêu và chết tại Việt Nam!

VTH
* Tư liệu trích từ Báo Việt

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

VU LAN NHỚ MẸ


Hôm nay ngày Lễ Vu Lan
Con ngồi nhớ mẹ hai hàng lệ rơi
Mẹ không còn ở trên đời
Để con bên cạnh nghe lời yêu thương
Mẹ già một nắng hai sương
Nay đà siêu thoát Tây Phương lâu rồi
Nhưng sao lòng vẫn bồi hồi
Nhớ hình bóng mẹ chẳng ngơi tấc lòng
NĐH