Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

CÁI HIẾU CỦA DÂN TÔI - Tập 2

Cảm ơn các bạn đã tham gia đóng góp ý kiến trong tập 1 – Dân Tôi Hiếu Học. Những búc xúc của các bạn nói lên sự quan tâm của mình đến tình trạng học hành hôm nay. Nó cũng nói lên tấm lòng của mình đối với quê hương. Dân ta, trong đó có chúng ta, quả là hiếu học. Đó là một đức tính tốt nhưng mục đích của việc học đang là một vấn đề. Đành rằng học có thể để ấm thân mình như một số bạn đã viết nhưng học chỉ để vinh thân phì gia qủa là đáng buồn.

Nền kinh tế thị trường đang đẩy dân ta chạy theo tiền bạc. Chuyện kiếm tiền là chuyện rất tự nhiên nhưng kiếm tiền bằng mọi cách, mọi thủ đoạn bất kể đạo đức trong giáo dục như hôm nay thật là nguy hiểm và cần phải được xã hội lên án. Theo tôi, đó là cái giá phải trả cho những bước đầu của tư bản chủ nghiã. Hoa Kỳ cũng đã trải qua giai đoạn tồi tệ đó thôi, từ những anh hùng cao bồi của đồng cỏ đến băng đảng mafia của thành phố, từ trấn lột cá nhân tại mỏ vàng đến giật mìn, đốt phá hoả xa có tổ chức của Rockerfeller. Với tinh thần hiếu học, dù méo mó, dân ta sẽ thấy. Có học mới biết, có biết mới sửa. Dân ta sẽ vượt qua cái chuyển mình này của đất nước. Bạn có thể cho là tôi quá lạc quan nhưng phải lạc quan để sống và truyền sức sống cho con cháu ta đi tiếp. Hãy hy vọng và tin rằng dân ta sẽ tự điều chỉnh, tìm lại thực học cho mình để xây dựng quê hương giàu đẹp. Giờ thì xin được viết về tính hiếu hòa  của dân ta.

TẬP 2 – DÂN TA HIẾU HÒA

Cái này có người nói là không đúng. Dân ta hiếu chiến chứ không hiếu hoà. Cứ nhìn lịch sử của mình thì biết, chúng ta có chiến tranh triền miên... Có lẽ cả thế giới chỉ có mình ta. Đánh nhau với Tầu cả ngàn năm, vừa có độc lập lại đánh lẫn nhau – thời Trịnh Nguyễn. Bị Pháp chiếm, đánh nhau với Pháp cả trăm năm, Pháp chưa kịp đi lại đánh Mỹ, hết đánh Mỹ quay lại đánh Khmer đỏ... Chưa biết nay mai chúng ta sẽ đánh gì?

Nguyễn Gia Kiểng trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn kể rằng khi còn bé cô giáo ra đề bài “Hãy chọn một vị anh hùng dân tộc mà em thần tượng và viết tại sao”. Phần lớn học trò lớp ông đã chọn Nguyễn Huệ, người anh hùng đã đánh tan giặc Tàu năm Kỷ Dậu 1789. Lớn lên, ông đi dạy, ra đề bài y như cô giáo đó và phần lớn học trò ông lại cũng chọn Nguyễn Huệ. Du học Pháp về, ông hỏi chuyện các giáo viên và nhận ra đề tài này cũng được đưa ra hàng năm và Nguyễn Huệ luôn về nhất trong tim các em. Theo ông, chúng ta tôn thờ bạo lực, hiếu chiến, đã và sẽ là nạn nhân của bạo lực. Chúng ta đang tự tàn phá quê hương khi theo đuổi ước mơ đó.

Điều này có phần nào đúng. Nếu chúng ta không nam tiến đã không có Trịnh-Nguyễn phân tranh, không Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà, không Nguyễn Huệ Bắc Bình Vương, không Gia Long rước voi về dầy mả tổ rồi Tây xâm lược, Mỹ can thiệp, Tàu lăm le. Được thêm một giải đất mà dân ta trả giá qua bao thế kỷ. Có đáng không? Đây không phải ác lai ác báo thì là cái gì?

Ước mơ hoà bình
Ngược lại, có người nói rằng dân ta hiếu hoà. Cứ nhìn trong ca dao, cách sống, cách cư xử ở đời thì thấy. Chả phải dân ta vẫn khuyên nhau chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành, thôi thì đóng cửa bảo nhau, dĩ hoà vi quý...

Nhẫn nhịn, khoan nhượng là một đức tính tốt. Nhưng những tính tốt ấy có phải lúc nào cũng đúng không? Chúng ta có thể khoan nhượng mãi cả ngàn năm để Tàu đô hộ không? Chúng ta cũng thấy rõ cái hậu qủa của dĩ hoà vi quý trong cơ chế bao cấp, đặc biệt là bao cấp kéo dài sau năm 1975. Hai tệ hại xã hội đã nảy sinh là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm. Một khảo sát của Bungary nhìn lại thời kỳ này của chính họ, đã tổng kết nên 6 nghịch lý mà ta có thể tham khảo :
- Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc
- Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương
- Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống
- Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống
- Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng
- Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý"

Bây giờ mở cửa trong cơ chế thị trường chúng ta lại có thêm hai tệ hại xã hội nữa là nôn nóng kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Bốn tệ hại này phát huy mạnh mẽ từ tính hiếu hoà của dân ta. Bảo nhau nhịn đi để được yên hay dại gì đương đầu với tệ nạn ấy đều là vô trách nhiệm. Chúng ta dùng cái hiếu hoà để biện hộ cho thói vô trách nhiệm của mình.

Tính vô trách nhiệm được thể hiện rõ nét qua cái cười cầu tài, cười vô thưởng vô phạt, vô trách nhiệm mà Nguyễn Văn Vĩnh đã cố gắng sửa sai qua bài viết Gì Cũng Cười như sau:
An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Thói đó vẫn còn và còn mạnh nữa là khác. Có lẽ dân ta khôn ngoan, hiếu chiến khi mạnh và hiếu hoà khi yếu. Không nói đến đạo đức nhưng theo bạn, đó có phải là sự khôn ngoan?

27 nhận xét:

  1. Đọc CÁI HIẾU CỦA DÂN TÔI,Tôi biết Hiệp viết bằng tâm huyết,bằng tấm lòng, muốn truyền lại chút gì cho thế hệ kế tiếp.
    Nhưng Hiệp hiểu cho, nếu viết không đúng sự thật, đúng với cảm nhận của mình thì mình tự thấy nhạt nhẽo nói gì có sự đồng cảm của người đọc . Còn viết đúng với sự hiểu biết và cảm nhận của mình với đề tài Hiệp đưa ra là điều rất khó .
    Chúng ta tự hào với bốn ngàn năm lịch sử , kế thừa sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông. Vậy chúng ta đã dạy cho con cháu chúng ta hiểu và biết những gian khổ, những bài học trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông chúng ta hay chưa ?
    Một thời chúng ta đi học, đã được đọc và phân tích bài BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi với lời lẽ danh thép hào khí ngất trời, nhưng cũng đầy tính nhân văn mang tính hòa hiếu. Chúng ta đọc nhưng có xem đó là lời dạy để chúng ta đối xử với đối phương và những người đồng bào ruột thịt mình hay chưa ?
    Tôi là một nhân chứng trong cuộc chiến mà Hiệp nói đánh Mỹ, tôi rất xót xa những mất mát đau thương mà nhân dân hai miền gánh chịu, hậu quả vẫn còn nặng nề cho tới bây giờ .Tôi rất sợ chiến tranh, tôi còn nhớ cuối năm 1968 gia đình tôi vào Sài Gòn tránh bom đạn, cứ một hai giờ khuya đang ngủ nghe tiếng xe Lam trong xóm chạy trên gường tôi vội chui xuống đất vì ngỡ là tiếng súng hai bên bắn nhau bởi ám ảnh sự chết chóc mà hằng ngày tôi chứng kiến ở quê .
    Tôi muốn Đồng Bào tôi là dân tộc yêu chuộng hòa bình, đừng bao giờ tham vọng lấn chiếm lãnh thổ các nước láng giềng và cũng đừng áp đặt những điều mình muốn cho nhân dân nước khác . Và tôi cũng như các bạn không muốn nước nào lấn chiếm tấc đất, vùng trời, biển đảo ông cha ta để lại.
    Một đề tài khó viết, thôi thì cũng ráng viết đôi dòng gọi là chia xẻ với Hiệp vậy .

    Trả lờiXóa
  2. Hầu mến,
    Lời bạn viết xé lòng tôi. Quê hương ta đó, với bao đau thương, mất mát. Dân ta đó với bao cống hiến, thiêt thòi. Để rồi hôm nay, còn lại gì? Còn lại chăng là những thương đau, những khoảng buồn không bao giờ lấp được... Cái gì qua đi, dân tôi thừa can đảm để nuốt chịu, quên đi nhưng ngày mai, con em chúng ta sẽ nghĩ gì, phải làm gì? Hiếu chiến ư? Dân tôi đã nào nghĩ đến. Hiếu hòa ư? Có được đâu? Đề tài dù khó viết nhưng hãy vì tương lai của con cháu chúng ta, nhìn vào sự thật, rút tiả kinh nghiệm để xương máu hôm qua là phân bón, chứ không trôi đi như rác rưởi, cho con cháu mình.

    Trả lờiXóa
  3. Các bạn thân mến !
    Tôi cũng có những dằn xé nội tâm như các bạn, có lẽ còn hơn như vậy nữa, bởi những dằn xé này dường như được tiếp nối từ cha mẹ cũa mình, từ những anh chị cũa mình. Trong tôi lúc nào cũng đau đáu xót xa về hiện tình đất nước, đọc những lời lẽ chân thành cũa các bạn, tôi rất xúc động.
    Những người đi trước tôi đã hy sinh khá nhiều cho sự tồn vong và phát triển cũa dân tộc mà không hề nghĩ đến bản thân mình, cho đến giờ vẫn còn mong mỏi đó nhưng có vẻ cũng bắt đầu mỏi mệt rồi mà tình hình vẫn chưa được phát triễn như mong muốn.
    Hàng ngày đọc những tin tức trong nước, tôi luôn cãm thấy đau lòng vì những điều tệ hại và vui sướng khi bắt gặp những tín hiệu tốt, cũng như tôi đã vui sướng khi thấy các bạn cũng là những người có tâm huyết vậy.
    Tôi nghĩ ta có thể nói nhiều hơn về vấn đề được xem là nhạy cãm hiện nay, miển là mình không làm chính trị, không phát tán tài liệu này nọ thì chắc là không ai đụng chạm đến blog này. Có lẽ xu thế chung là sẽ có ngày càng nhiều những blog cá nhân như vậy, đó cũng là sự phát triễn bình thường trong xã hội.
    Tôi sẽ tham gia cùng các bạn.

    Trả lờiXóa
  4. Đồng ý với anh Chơn. Mình hãy viết bằng tấm lòng chân thành, không xách động, khích bác ai mà là trao đổi để mở mang kiến thức hòng đóng góp cho quê hương giàu đẹp. Rất mong sự đóng góp của anh.
    Nếu được, xin anh chọn làm thành viên hoặc viết với tư cách OpenID để có tên cho anh em biết. Viết giấu tên vô tình dễ bị hiểu lầm, anh ạ.

    Ngày xưa tôi cũng thần tượng Nguyễn Huệ, mê truyện Mơ Thành Người Quang Trung của Duyên Anh. Lớn lên tôi vẫn nghĩ tinh thần Đông Du 'học Nhật đánh Pháp' của Phan Bội Châu là đúng đắn. Nếu lịch sử lập lại, tôi sẽ theo y như vậy.

    Hôm nay nhìn lại, tôi cảm thấy có cái gì không ổn. Dân tôi đã có độc lập, tự do nhưng đó là cái độc lập, tự do yếu ớt. Tại sao vậy? Dân trí! Singapore, Thái Lan nhỏ hơn ta nhưng nhận thức độc lập, tự do cao hơn ta, có sức mạnh hơn ta để bảo vệ nền độc lập, tự do của họ. Họ hơn ta là do họ có chất xám nhiều hơn ta. Họ có chất xám nhiều hơn ta vì họ biết mở cửa, đón nhận tri thức một cách khôn ngoan.

    Phương tây có câu 'Tướng giỏi đánh trăm trận trăm thắng. Tướng tài không đánh trận nào mà thắng'. Nghe có vẻ phi lý nhưng đúng là như vậy. Các siêu cường có đánh nhau đâu. Họ giúp các nước như ta đánh nhau thôi. Họ đấu nhau bằng đầu óc qua kinh tế, ngoại giao, chính trị. Cái mà Phan Chu Trinh đã kêu gọi từ trăm năm trước!

    Chúng ta đã mê muội từ bao năm. Hãy tỉnh lại cho con cháu được nhờ. Hãy mở cửa, đón nhận tri thức một cách khôn ngoan. Hãy vinh danh những anh hùng dân tộc có đầu óc chiến lược như Nguyễn Trãi, Phan Chu Trinh, những hiền tài xây dựng đất nước như Chu Văn An, Lê Quý Đôn. Tôi bắt đầu bài viết Cái Hiếu của Dân Tôi bằng Hiếu Học là vì vậy.

    Trả lờiXóa
  5. Khi viết những dòng này tôi đã nghe lại bài Gia Tài Của Mẹ của cố Nhạc sĩ Trịnh công Sơn,và đang nghe bài hợp ca Việt Nam của Nhạc sĩ Phạm Duy. Với cảm xúc là người dân Việt,tôi cũng như các bạn ai chẳng yêu đất nước mình bởi chúng ta mang trong người máu thịt của ông cha chúng ta ngàn đời truyền lại và dòng máu này tiếp tục lưu truyền mãi trên mãnh đất cha ông đổ biết bao xương máu giữ được tới ngay hôm nay, ngoài mãnh đất này, đâu còn nơi nào là quê hương ta ?
    Vậy hiếu chiến để bị cô lập mất nước, hay hiếu hòa cam tâm làm nô lệ ?
    Tôi nghĩ ta đang sống trong một đất nước có chủ quyền được quốc tế công nhận,chúng ta sẽ được sự ủng hộ của các dân tộc có lương tri, yêu chuộng lẽ phải trên thế giới. Nếu chúng ta chiến đấu khi bị xâm lăng chúng ta sẽ được sự đồng tình giúp đỡ của cộng đồng quốc tế .
    Nhưng chắc chắn cộng đồng quốc tế chẳng mặn mòi gì,nếu chúng ta không đoàn kết một lòng, chúng ta còn ám hại lẫn nhau.
    Qua báo chí các bạn biết, đất nước chúng ta nghèo đâu phải do bị bao vây cấm vận kinh tế, đâu phải chúng ta không có tài nguyên , hay do thiên tai . Nghèo do người dân qua biên giới đem tiền giả, hàng lậu về làm lủng đoạn kinh tế, nghèo do những người có trách nhiệm vì lòng tham ôm tiền của ra nước ngoài móc ngoặc mua đồ bỏ đi hay đem tài nguyên bán rẻ cho thiên hạ. Nếu ai cũng vì lợi riêng mà quên lợi ích dân tộc thì còn gì đất nước này .
    Luật pháp là kỷ cương của đất nước được tuân thủ hay chưa ? Mỗi ngày có trên dưới 40 người chết do tai nạn giao thông do đâu ? những công trình hằng ngàn tỉ chào mừng Đai lễ Thăng Long 1000 năm nhanh chóng xuống cấp lỗi tại ai ?.....
    Hiếu hòa, nhưng cương quyết bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ cho cháu con.Muốn được vậy mong mọi người đừng vì lợi riêng làm nghèo đất nước, đừng vì lợi ích bản thân mà nối giáo cho giặc .Người Việt trong cũng như ngoài nước vì sự tồn vong của đất nước, quên đi quá khứ buồn, xóa dần những dị biệt về chính trị chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước. Nếu được vậy chắc chắn chúng ta sẽ có sự ủng hộ của quốc tế. Tổ quốc,non sông đang cần tấm lòng trên dưới 90 triệu con cháu để quyết định tồn vong,còn bạn nghĩ gì ?

    Trả lờiXóa
  6. Tôi vẫn mơ thành người Quang Trung anh ạ ! Mặc dù chiến thắng quân Thanh vẻ vang như vậy nhưng đâu phải ông không nhận định được tình hình đất nước. Ngay lập tức sau đó ông đã tiếp tục triều cống nhà Thanh và cưới công chúa Ngọc Hân để cầu hòa để mong có thời gian xây dựng đất nước. Chỉ tiếc rằng Vua Quang Trung tuổi thọ quá ngắn, những cải cách kinh tế cũa ông chưa kịp thực hiện thì ông đã qua đời. Ông mất năm 40 tuổi là tuổi sung sức nhất để bắt đầu những việc trọng đại
    Trong lịch sử nước ta, có lẽ người làm tôi ngạc nhiên và khâm phục là Hồ quý Ly, ông là người chủ trương cải cách đất nước sớm nhất trong các vị vua cũa Việt Nam
    Hãy xem sách tham khảo về Hồ quý Ly như sau

    Ngày nay nhiều nhà sử học đánh giá cao mặt tích cực của Hồ Quý Ly, cho ông là một nhà cải cách táo bạo và hiếm có trong lịch sử Việt Nam nhằm hai mục đích: tăng cường chế độ tập quyền, giải quyết mâu thuẫn kinh tế xã hội, giải phóng sức sản xuất.

    Tiếc thay, công việc mới khởi đầu thì Minh Thành Tổ đã phát binh xâm lược. Cuộc kháng chiến kéo dài nửa năm thì cha con nhà họ Hồ bị bị giặc bắt ở núi Cao Vọng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và đem đày ở Quảng Tây.


    Cháu 11 đời của Hồ Quý Ly là Hồ Minh Đạo đậu tiến sỹ (Trung hoa) làm bố chánh tỉnh Triết Giang. Cháu 7 đời của Hồ Minh Đạo là Hồ Hán Dân đậu cử nhân niên hiệu Quang Tự, năm Tân Hợi 1911 làm phủ đạo nguyên soái, năm 1928 làm Lập pháp viện trưởng, uỷ viên trong Chính phủ Trung hoa dân quốc. Ông Dân đã từng giúp đỡ các nhà cách mạng Việt nam tại Trung quốc, tổ chức đưa thi hài liệt sỹ Phạm Hồng Thái vào nghĩa trang Hoàng Hoa Cương…
    Ghi thêm: Hồ Nguyên Trừng là con trưởng của Hồ Quý Ly, nhưng Hồ Quý Ly lập con thứ là Hồ Hán Thương làm người kế vị. Hồ Nguyên Trừng không bất mãn, một lòng phục vụ tận tụy.

    Hồ Nguyên Trừng là nhà sáng chế vũ khí. Súng “thần công” là do ông nghiên cứu chế tạo vào thời điểm thế giới đang thai nghén về súng đại bác.

    Quân Minh bắt được người chế súng và nhiều khẩu thần công. Sau này quân Minh mỗi lần làm lễ tế súng thần công đều phải tế Hồ Nguyên Trừng


    Quang Trung Nguyễn Huệ và bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đều là cháu đời thứ 13 của Hồ Kha. Hồ Kha là cháu mười ba đời của ông tổ Hồ Hưng Dật.

    Hoàng đế Quang Trung (Hồ Thơm) sinh 1752, mất 1792. Cha ông là Hồ Phi Phúc, mẹ là Nguyễn Thị Đồng. Nhà có bốn anh chị em: Nhạc, Lữ, Huệ và một người em gái út.

    Hồ Xuân Hương sinh sau Nguyễn Huệ đúng 20 năm (1772-1822) là con Hồ Phi Diễn, cháu Hồ Phi Tích - những người khá nổi tiếng thời đó.

    Một chi tiết khá thú vị:
    Năm 1904, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) về làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An (để làm gì thì sách không viết!) đã ở lại nhà ông Hồ Sĩ Tư - con trai ông Hồ Sĩ Tạo mà tương truyền ông Hồ Sĩ Tạo chính là cha ruột của ông Nguyễn Sinh Sắc.

    Đất nước chúng ta quả là không may mắn, những minh quân như vậy lại chết sớm .

    Trả lờiXóa
  7. Từ nhỏ khi đọc các loại truyện cổ cũa Việt Nam tôi cứ thắc mắc, tại sao chỉ toàn chọn những kẽ có tài thi phú, văn thơ và đối đáp giỏi để làm quan ?
    Để phát triễn đất nước thì cần phải giỏi về kinh tế kỷ thuật khoa học mới cần thiết hơn chứ? Thật ra thì lịch sử nước nhà đúng là như vậy, phần lớn toàn những người nói hay nói giỏi, mà những người này lại được trọng dụng hơn. Xem tình hình chung thì Trung Quốc và Việt Nam giống nhau ở điểm này mà có lẽ Việt Nam còn lậm hơn là đằng khác.

    Những gì đề cập trên cho thấy sự cần thiết để phát triễn một đất nước phải là văn hóa, thương mại, khoa học kỷ thuật..
    Trong lịch sử VN kể cã lịch sử cận đại, thường rất xem thường thương mại. Chúng ta vẫn còn nhớ câu xếp hạng Sỉ, Nông, Công, Thương. Thương mại bị xếp hạng chót đó thôi.
    Nhìn ra các nước phương tây thì thương mại hầu như luôn đứng hàng đầu, sự phát triễn thương mại kéo theo sự phát triễn cũa khoa học kỷ thuật và sau đó sẽ là văn hóa cũng phát triễn theo.
    Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề này cũng là muốn nói đến vấn đề hiếu học mà thôi.
    Cái học cũa ta vẫn còn bị ảnh hưởng từ ngàn xưa, thường là kiểu khoa bản với các danh xưng nghe rất kêu nhưng thiếu phần thực chất.
    Ở nền kinh tế năng động, do yêu cầu đáp ứng nhân sự cho các ngành nghề thì việc học sẽ dần thay đổi thực chất hơn, ngành nghề nào cần và có lương cao thì người giỏi sẽ tập trung vào. Sự điều chỉnh tự nhiên cũa thị trường lao động sẽ xác lập trở lại các ngành nghề cần học cũa xã hội.
    Dĩ nhiên nếu chờ sự điều chỉnh tự nhiên đó thì sự phát triễn sẽ chậm hơn khi có kế hoạch phát triễn từ phía nhà nước.
    Thời buổi hiện nay thật ra đã khá hơn cách đây 30 năm, nhớ thời đó chẳng cần học hành bao nhiêu, chỉ cần có quen biết xin vào làm những công ty có mức lương cao thì đủ khỏe thân. Dù có giỏi mà không quen biết thì cũng đói.
    Hiện nay những em học sinh giỏi ( giỏi thật sự qua công việc chứ không phải chỉ có bằng cấp ) thì mổi tháng với mức lương trên 10 triệu rất phổ biến .
    Giờ đây các trường học lại tỏ ra thiếu năng lực để đào tạo lao động cho nền kinh tế.
    Dân ta quả là hiếu học, có lẽ cái học thực chất cũng đang dần dần được thực hiện đó thôi. Vấn đề là cần sự hổ trợ và điều chỉnh ở cấp vĩ mô

    Tôi đã hỏi vài người Mỹ xung quanh rằng tại sao nó không học đại học? Nó trã lời rằng "tao học không nổi thì tại sao tao phải đâm đầu vô học rồi cuối cùng mang nợ phải trã nợ cã đời. Tao làm thợ máy nhưng nếu tao giỏi thì lương cũa tao còn hơn kỹ sư" .Nếu nấu ăn giỏi thì cũng vậy,hoặc giỏi nghề nào đó thì cũng đều có khả năng lương cao.
    Với thị trường lao động như vậy thì chỉ những người có năng lực học hành thật sự mới đi học đại học, vì chi phí học đại học không hề rẻ tí nào.
    Thế mới biết chi phí đại học cũa VN là quá rẻ, đâu phải rẻ là tốt ? Do thiếu kinh phí nên dẫn đến thiếu phương tiện giảng dạy. Do chi phí rẻ nên ai cũng muốn cho con mình học đại học dù nhiều em thiếu khả năng....và kết quả là đào tạo ra những lao động kém chất lượng.
    Về phía học sinh thì không thể vay tiền học cho nên dù có năng lực học nhưng vì nghèo thì đành chịu
    Về phía nhà nước thì cho vay tiền thì sau đó không thu hồi được.
    Tôi biết đã có nhiều ý kiến và đề nghị để giải quyết việc này nhưng tôi có thể cam đoan là trong tình hình hiện nay không thể nào làm được vì sự quản lý yếu kém cũa nhà nước về tài chính.
    Nếu nói rộng ra vấn đề này thì lại lạc đề sang lỉnh vực khác, tôi chỉ có ý kiến thật ngắn là . Ta chỉ có thể làm được điều này khi hầu hết lượng tiền tệ đang lưu hành trong nền kinh tế được thông qua ngân hàng và lượng tiền mặt được sử dụng hạn chế trong phạm vi 5 % tổng số tiền lương cũa người lao động.
    Tôi có thể đề cập đến vấn đề này vào dịp khác nhưng có thể nói là ngân hàng phải đi trước một bước so với sự phát triễn kinh tế và xã hội

    Thật là khó khăn khi chỉ đề cập riêng về một lỉnh vực nào đó vì mọi vấn đề đều có liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết của anh Chơn rất nhiệt tình, phong phú, nói lên nhiều góc cạnh của vấn đề. Từ đó cho thấy cái búc xúc tràn lan hôm nay không phải do ai đó chế tạo, đột nhiên mà có. Một số có thể từ chính quyền nhưng một số cũng từ dân ta. Kẹt xe ở thành phố chẳng hạn. Một phần là do lô cốt nhưng cũng một phần do buôn bán viả hè. Cán bộ, nếu nhiễu nhương, cũng có sự tiếp tay của dân. Cán bộ cũng từ dân mà ra, biết những gì làm được. Người dân thường chỉ kêu rêu, nóng vội muốn thấy mọi chuyện được giải quyết ngay. Dân ở đâu cũng vậy nhưng ở ta, nó nhiều hơn vì trình độ chỉ hiểu đến đó. Vĩ mô là cái gì họ không biết và thậm chí không muốn biết. Tôi nói dân trí là ở chỗ đó.

    Nói đến Quang Trung, ta không thể không tự hào. Cũng như anh, tôi vẫn thần tượng ông, một thiên tài quân sự. Cái mà tôi muốn nói đến là có những thiên tài khác như Nguyễn Trãi, một chiến lược gia với bản tuyên ngôn Bình Ngô Đại Cáo hay Hồ Quý Ly, một nhà cải cách toàn diện, mà ít được đề cao. Xem trọng thiên tài quân sự mà quên mất khi lâm nguy cần quan võ, lúc bình thường cần quan văn. Thiếu quan văn đất nước chậm phát triển, yếu kém là vì vậy.

    Ngày hôm nay, chiến tranh phi quân sự, phi biên giới lại càng nguy hiểm. Chúng ta thoát 1000 năm đô hộ Hán hoá là nhờ luỹ tre làng. Chúng ta mất nước nhưng không mất làng, mất lệ. Làng, lệ, luỹ tre không còn nữa. Chúng ta lấy gì để tự bảo vệ? Dân trí! Dân trí cao sẽ thấy được ý định xâm lược của ngoại bang dù chỉ là qua kinh tế, chính trị, văn hoá như anh Hầu đã nêu: những kẻ ôm tiền giả vô trong nước, móc ngoặc ôm tiền thật ra ngoài, loan tin thất thiệt gây rối loạn xã hội, văn hoá ngoại lai phá tan tự hào dân tộc... Chúng ta cần một luỹ tre làng trong tâm mình: văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Rất đồng ý với anh Hầu. Hiếu hòa, nhưng cương quyết bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ cho cháu con. Lãnh thổ này không chỉ trên giấy tờ mà còn ở trong tim, trong óc của chúng ta.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Hiệp thân mến .Mấy hôm trước mình không thể vào trang Blog được ,hôm nay nhờ thằng con hổ trợ mới vào được.Mình đọc bài viết của anh và anh Hầu ,mình cảm nhận các anh viết bằng cả tâm tư tình cảm trỉu nặng với quê hương đất nước .
      Có một điều mình cần phải nói để anh Hiệp khỏi hiểu sai là :Những comment nặc danh trên là của một bạn nào đó cũng có cùng tâm tư tình cảm yêu quê hương như hai anh và đọc bài của hai anh rồi viết phản hồi chứ không phải của Chơn .Anh hiểu nhầm như thế làm Chơn thấy mình có lổi với người bạn này nên phải nói rỏ để anh hiểu .Mình thấy phản hồi của bạn ấy rất tâm huyết nhiệt tình và chất lượng .
      Thân ái chào anh ! Phạm Chơn
      Mình không rành cách chọn để được pót lên trang blog ,anh giúp mình với nha!

      Xóa
  9. CHIẾN HAY HOÀ?
    Bao năm vẫn muốn được yên hà
    Mà sao trời bắt tội dân ta
    Một thiên niên kỷ Tàu đô hộ
    Một thế kỷ sau Phú Lang Sa
    Chưa qua rét mướt thêm chinh chiến
    Vừa hết tương tàn lại phân qua
    Quê hương rách nát người điêu đứng
    Còn gì đâu nữa chiến với hoà?

    Trả lờiXóa
  10. Hình như mình không thể viết dài phải không anh Hiệp? ngày hôm qua tôi phải tách ra làm 2 phần mới post lên được và tôi cũng không đánh máy trực tiếp theo kiểu VNI được mà phải từ một trang khác rồi copy qua....nhưng không sao, từ từ rồi sẽ quen và tự điều chỉnh mình cũng tốt.

    Trả lờiXóa
  11. Tôi chưa phải tách bài bao giờ. Có lẽ mạng bị chậm lại lúc đó. Âu cũng là điều tốt để bài đừng qúa dài, khó đọc. Cảm ơn bài viết của anh.

    Trả lờiXóa
  12. Anh Hiệp thân !Mình chọn nặc danh mới post được chứ chọn các mục khác thì không tải lên được .Anh hướng dẩn hộ mình nha-Cảm ơn!
    Phạm Chơn

    Trả lờiXóa
  13. Anh có thể tham gia như một thành viên bằng cách nhấn vào "Tham Gia trang Web này" trong phần THÂN HỮU ở bên phải bài viết.

    Anh cũng có thể viết bài với tư cách người xem bằng cách nhấn vào mũi tôn bên phải "Nhận xét với tư cách:" ở dưới và chọn "Tên/URL". Anh điền tên mình và email vào, sau đó nhấn "Tiếp tục". Khi bài viết xong, nhấn Xuất bản.

    Chúc anh thành công.

    Trả lờiXóa
  14. Dân tộc ta hiếu hòa hay hiếu chiến ?
    Nếu xem lại lịch sử VN thì có lẽ câu trã lời thành thật là hiếu chiến. Tôi nghĩ nó cũng có lý do cũa nó, bỡi vì với kiểu xâm lược cũa đại Hán trải qua hàng ngàn năm như vậy, những dân tộc hiếu hòa bây giờ nói tiếng Tàu cã rồi, nó còn do vị trí chiến lược cũa VN cứ luôn ở đầu sóng ngọn gió như vậy dù cho có muốn hòa thì vẫn không giữ nước được, chiến đấu chống ngoại xâm là con đường bắt buộc.
    Trãi qua quá trình lâu dài như vậy dù không muốn cũng trỡ nên hiếu chiến. Ta còn nhớ câu thơ
    Kể từ thưỡ mang gươm đi mỡ nước
    Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long

    Vâng ! Đối với chúng ta " mang gươm đi mỡ nước " nghe rất đẹp, rất hào hùng và lãng mạn....nhưng đối với dân tộc Chiêm Thành và Thũy Chân Lạp thì đó là đi xâm lược. Nếu tìm hiểu kỷ thì sẽ thấy cuộc xâm lược đó thật là sắt máu, nó xóa sổ cã hai dân tộc.
    Một điều phải công nhận rằng một dân tộc bất khuất thì không bao giờ có thể bị diệt vong. Việc hiếu hòa hay hiếu chiến luôn phụ thuộc vào sức mạnh tương quan với các thế lực xung quanh.
    Nếu các bạn để ý thì sẽ thấy khi thành lập Đảng Cộng Sản thì đó là Đảng Cộng Sản Đông Dương chứ không phải là Đảng Cộng Sản VN.
    Hiện nay ta đang rất hiếu hòa đấy thôi.......
    Anh Hiệp ơi ! những comment trước là cũa tôi đó, tôi là người mà anh gọi là Đại Cathay đây !

    Trả lờiXóa
  15. Thân chào Đại Ca Thay. Rất mừng có anh tham gia. Như đã viết tôi mến mộ ngòi viết của anh và ước mong có những người tôi gọi là hiền tài 3T (Tầm-Tâm-Tài) như anh chia sẻ. Hy vọng rằng qua trang mạng này anh em sẽ hiểu nhau hơn, trao đổi ít điều và từ đó sẽ phấn chấn hơn vì thấy nỗi đau san bớt!

    Xin được bắt đầu bằng hai câu thơ bạn vừa nhắc:
    Kể từ thuở mang gươm đi mở nước
    Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long

    Hào khí ngất trời... Tôi tưởng như mình đang cùng đoàn người trùng trùng xẻ Trường Sơn hôm nao. Chả phải văn thơ ấy đã dấy lòng người bao năm qua? Văn nghệ là thuyền, thuyền xô sóng dậy là thế. Nhưng sóng dậy làm gì và thuyền đi về đâu? Chỉ để còn hai tiếng bất khuất thôi ư? Đó là câu hỏi mà chúng ta phải tự xét.

    Cũng thế, hoà hay chiến cũng đã được hát lên ở miền nam trong những lúc ngày khói lửa hôm xưa:
    Trước nhục nước nên hoà hay nên chiến? Quyết chiến!
    Thế nuớc yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh!

    Bài hát một thời đó có phải là câu trả lời? Dân tôi đã và sẵn sàng hy sinh nhưng để làm gì? Có cách nào bớt hy sinh không? Đừng kêu gọi hy sinh cho đến khi thấy dân tôi không còn gì để hy sinh nữa.

    Như tôi đả viết 'tướng giỏi đánh trăm trận trăm thắng nhưng tướng tài không đánh trận nào mà thắng'. Chúng ta cần những người lãnh đạo có tâm, có tài, có tầm nhìn, đầu óc chiến lược. Tôi tin là những người lãnh đạo Cộng Sản ngày xưa có tài, có tầm nhìn và đầu óc chiến lược nên đúng như bạn nói khi thành lập Đảng Cộng Sản họ đã lập Đảng Cộng Sản Đông Dương chứ không phải là Đảng Cộng Sản VN. Tiếc rằng, việc đó không thành tựu như ý muốn.

    Bạn viết việc hiếu hòa hay hiếu chiến luôn phụ thuộc vào sức mạnh tương quan với các thế lực xung quanh. Đồng ý với bạn nhưng hoà hay chiến không nhất thiết bằng vũ lực. Trung Quốc rõ ràng mạnh hơn trong tương quan với các nước khu vực, đã và đang thể hiện sức mạnh quân sự của mình. Theo tôi Trung Quốc đã thiếu khôn ngoan. Là người lãnh đạo Việt Nam tôi sẽ tận dụng cái thiếu khôn ngoan đó của họ, sẽ chiến dưới cái vỏ hoà quân sự.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm sao toi có thể gởi lời nhận xét được?

      Xóa
    2. Như đã viết, bạn có thể gởi nhận xét:
      - Như một thành viên bằng cách nhấn vào "Tham Gia trang Web này" trong phần THÂN HỮU ở bên phải bài viết.
      - Với tư cách người xem bằng cách nhấn vào mũi tôn bên phải "Nhận xét với tư cách:" ở dưới và chọn "Tên/URL". Bạn điền tên mình và URL vào, sau đó nhấn "Tiếp tục".

      Khi viết xong, bạn nhấn Xuất bản. Nếu bạn có khó khăn gì xin mail về caothang76@gmail.com

      Xóa
    3. Can on Anh da huong dan.
      Doc bai viet cua Anh Hiep va cac loi phan hoi, lam minh cung xot ruot lam.
      Oi dat nuoc VN, con nguoi VN!
      Hen gap lai

      Xóa
    4. Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
      Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
      Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
      Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

      Xóa
    5. Bốn câu thơ đầy hào khí cũa Lý thường kiệt là câu tuyên bố đanh thép với giặc phương bắc. Ai trong chúng ta cũng thuộc lòng và tùy thời tùy lúc mà sử dụng.
      Phải thật sự nhận thấy rằng hoàn cảnh chúng ta hôm nay thật khó khăn. Chúng ta không thể dựa vào thế lực nào khác mà phải dựa vào chính chúng ta.
      Trong comment trước đây trên web site KTCTUC tôi có liệt kê các sự kiện "phản bội" cũa đồng minh đồng chí và chiến hữu.
      Lịch sử đã kết luận rỏ ràng rằng KHÔNG CÓ KẼ THÙ VĨNH VIỄN, KHÔNG CÓ ĐỒNG MINH VĨNH VIỄN, CHỈ CÓ LỢI ÍCH LÀ VĨNH VIỄN.
      Hiểu được điều đó ta chỉ còn tranh thủ sức mạnh đồng minh khi vẫn đang còn chung về lợi ích, song song đó phải biết tự trang bị tiềm lực cho mình trong tình thế nan giải này.
      Làm sao để tránh được chiến tranh mà vẫn giử vững từng tấc đất quê hương ?
      Vị trí chiến lược cũa VN sẽ rất có lợi nếu chúng ta là quốc gia mạnh nhưng nếu chúng ta yếu thì vô cùng nguy hiểm. Giống như một cô gái liểu yếu đào tơ mà lại mang đầy vòng vàng ra ngoài đường vậy, không kẻ này thì cũng kẻ khác lăm le cướp giật.
      Càng đặt ra những câu hỏi, có vẻ như càng bế tắc. Tôi thật sự lo lắng khi gần đây những thế lực cực đoan tại Trung Quốc đang ngày càng thắng thế, mà nguy hại hơn nữa đó là những người trẻ tuổi có học, có nghĩa là nguy cơ này sẽ kéo dài và ngày càng lớn dần.
      Việt Nam sẽ kiềm chế đến bao giờ ? Trung Quốc sẽ kiềm chế đến bao giờ ? Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, nếu Trung Quốc lấn thêm bước nữa ?

      Xóa
    6. Đọc các bài viết của Anh Hiệp và bạn làm mình suy nghỉ nhiều đấy.
      Không lẻ mình đành:"Mang cái buồn Giao Chỉ và cái sầu Nhược Tiểu" Sao???

      Xóa
    7. Bốn câu thơ khí khái ấy xin được ḍich:
      Nước Nam dân sống đã bao đời
      Được ghi rành rọt ở sách Trời
      Lấn chiếm đất này không thuận ý
      Dân ta đánh chúng nát tả tơi

      Đó là ý chí, quyết tâm của người xưa và con cháu vẫn nuôi ý chí, quyết tâm đó. Ý chí và quyết tâm, như các bạn biết, vẫn chỉ là chí hướng. Hành động thế nào là tuỳ sức mạnh, khôn ngoan của mình. Mình ở đây bao gồm cả lãnh đạo và nhân dân. Tôi không dám lạm bàn chuyện lãnh đạo mà chỉ nói đến nhân dân. Vì vậy mới có bài viết về dân ta và nhấn đến những điều thiết yếu nhất - những cái đáng suy nghĩ để xoá đi nỗi buồn nhược tiểu.

      Dân ta được trời ban có một quê hương đẹp tuyệt vời. Một Oriental Pearl mà bao quốc gia mơ ước. Đẹp đây không chỉ ở khí hậu, bờ biển mà cả tài nguyên, chính trị, địa lý. Dân ta hồn hậu, dễ hoà. Tuy vậy, như Trúc nói, Việt Nam như một cô gái đẹp, mảnh mai nhưng dại khờ mang vàng giữa phố. Cô đang tìm người hùng bảo vệ và thề chăn gối suốt đời. May thì cô gặp và hạnh phúc ít năm. Không may thì thân tàn ma dại. Mà có may thì cũng chỉ đôi lần. Cuối cùng thì cũng sẽ...

      Như đã viết, tôi không dám lạm bàn chuyện lãnh đạo nhưng dại khờ trong quan hệ quốc tế là điều không thể tha thứ. Đúng vậy, không có kẻ thù vĩnh viễn mà cũng không có đồng minh vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Nhưng lợi ích cho ai? Có lãnh đạo nào nói thật cho bạn biết không?

      Tôi xin kể một câu chuyện trong cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Như Hiên. Ông ta kể là ông được gọi vào quay phim Hồ Chủ Tịch đi thăm dân. Đường đê đã được đắp nhưng Hồ Chủ Tịch xách dép lội bùn mé dưới đê. Ông thấy kỳ nên ngừng quay. Nghe tiếng xè xè của máy ngưng lại, Hồ Chủ Tịch nhìn lên hiểu ý. Ông xỏ dép vào, leo lên con đê bước vào làng.

      Dân ta có chút khôn ngoan sẽ không bị lừa. Là nhà lãnh đạo khôn ngoan sẽ không làm chuyện lừa để dân cười vào mặt. Chúng ta là những người dân, mang quyết tâm và ý chí của mình đóng góp những gì thiết thực nhất bằng tài, bằng tâm, bằng trí và đôi khi cả tiền bạc nữa cho người con gái bé bỏng, thương yêu đó. Tôi tin rằng với quyết tâm và ý chí mạnh mẽ của dân mình, lãnh đạo ta sẽ phải có quyết định sáng suốt hơn. Ý kiến của các bạn cũng sẽ là những bó đuốc thắp sáng đuổi đi những tăm tối bao năm của dân ta.

      Xóa
  16. Thân gởi các bạn :Kim Hoa,Thoại Vân, Đức Thức, Lan B,Đức Hạnh, Kim Chi, Hùng Mai, Hùng Lâm, Xuân Lan...
    Lâu rồi không thấy các bạn giao lưu trên trang caothang76 .Rất tiếc trang blog không có nhiều đề mục để các bạn tham gia vào chủ đề thích hợp .
    Tôi đề nghị, tôi và các bạn sẽ viết theo ý thích và suy nghỉ của mình, không lệ thuộc vào chủ đề đăng trên blog.
    Mong nhận được hồi âm , không thấy các bạn trên mạng buồn lắm . Thân

    Trả lờiXóa
  17. Mấy hôm nay làm biếng đó Hầu ơi, mỗi ngaỳ có ghé thăm blog của caothang76 vài ba phút chơ không ở lâu được. Cũng xin giới thiệu một forum khác mình cũng ghé thăm thường là
    http://forum.caothang.org/index.php?sid=b4945d6ca962f95ff4a99510621813fc

    đến bạn.

    Chúc các bạn mình một ngày khỏe và vui bên cạnh người thân yêu...
    Thân mến,

    LTH

    Trả lờiXóa
  18. Hùng thân, bạn bận tôi thông cảm, bạn làm biếng tôi buồn, mong bạn siêng tí cho tôi vui.Trang web bạn giới thiệu mình đã vào và đã đăng ký thành viên. CHS Cao Thắng là bạn với nhau cả mà, nên có thêm một diễn đàn để giắn kết CHS Cao Thắng với nhau là điều đáng quý.
    Chúc bạn và gia đình hạnh phúc .

    Trả lờiXóa
  19. Mấy bài viết của anh Hiệp và cả phần phản hồi của các anh hay quá! Em chỉ biết suy ngẫm. Hỏng dám bỏ comment mắc công thành "Biết không hết những điều mình biết" Cám ơn các anh, tận đáy lòng mình các anh đã viết ra những điều trăn trở của một người dân hết tâm hết lòng muốn quê hương mình luôn tốt đẹp.

    Trả lờiXóa