Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

ĐÊM TRUNG THU

Tết Trung Thu là tết cho trẻ em nhưng tôi, người lớn, vẫn nao nức. Nao nức được đón ánh trăng rực lên sáng cả góc trời. Nao nức được thấy lờ mờ cây đa trên vầng trăng mà nhớ đến chị Hằng, chú Cuội. Nôn nao nhất là được gợi lại hình ảnh lũ trẻ rước đèn rong chơi trong khu xóm, dưới ánh trăng rằm đêm Trung Thu ca hát:
Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường...
Đêm Trung Thu của chúng tôi hôm xưa
Ngày xưa khi còn bé, lũ trẻ chúng tôi chuẩn bị cho cái đêm Trung Thu thật chu đáo. Làm gì có tiền mua đèn, chúng tôi phải tự làm lấy. Đứa lớn kiếm tre, đứa nhỏ kiếm giấy rồi tụ lại đứa chẻ, đứa vót, đứa uốn tre. Con gái phụ vào nấu hồ. Những cái đèn xếp, đèn lồng, đèn ngôi sao thành hình, tuy thô kệch nhưng đẹp biết bao với chúng tôi. Những chiếc đèn ấy được chia nhau đem về, ngắm nghiá từng đêm chờ ngày đi rước. Đèn kéo quân đẹp thế nào không biết nhưng là của người lớn, chỉ để chưng... không có ý nghiã gì với lũ trẻ chúng tôi cả.

Rồi rằm cũng đến. Chúng tôi ăn vội vã bữa cơm chiều và chờ cho sụp tối. Khi ánh trăng vừa lú là lũ trẻ í ới gọi nhau. Tiếng chó sủa, tiếng người lớn bảo nhau ra ngắm trăng cũng là lúc chúng tôi xếp hàng, rước đèn đi long nhong trong xóm. Hình ảnh một đàn trẻ cầm đèn, vừa đi vừa hát, được người lớn cho vài cái bánh, cái kẹo thật sống động, nên thơ. Rồi đứa bị đèn tắt, đứa bị cháy đèn, đám trẻ cãi nhau inh ỏi... Những kỷ niệm ấy vẫn còn trong tôi cho đến hôm nay.
Những năm xa xứ, tôi cũng cố cho con tôi có được đêm Trung Thu như thế. Vợ chồng tôi làm đèn, làm bánh trước chờ đêm rằm tháng bảy. Trăng lên nhưng không sáng như ngày xưa. Ở đây, người lớn không ngắm trăng và lũ trẻ không rước đèn. Hai con tôi chơi đèn quanh quẩn trong vườn một lát rồi treo lên trong phòng, ngồi ăn bánh. Thế là hết! Cái đèn được giữ lại cho năm sau, năm sau nữa... Cái đèn đó con tôi vẫn giữ đến hôm nay. Có lẽ ký ức con tôi không rực sáng trong đêm Trung Thu như của tôi nhưng chắc chắn con tôi có một chút kỷ niệm để giữ trong tâm hồn.
Đêm Trung Thu của trẻ em hôm nay...
Về Việt Nam tôi nôn nao tìm lại hình ảnh ngày xưa. Đêm Trung Thu đầu tiên, trời mưa. Có lẽ vì thế trẻ em không ra đường. Tôi buồn bã chờ đêm Trung Thu năm tới... Năm sau, trời không mưa, đẹp nữa là khác nhưng không thấy trẻ. Ngạc nhiên, tôi dò hỏi. Người bảo giờ khu xóm không còn đủ trẻ để rước đèn. Kẻ nói trẻ bận học, rước đèn ngoài phố nguy hiểm, kẹt xe. Vả lại, đèn đường sáng choang, đèn Trung Thu lập loè chẳng ai chơi... Ôi, thương cho các cháu quá! Các cháu không có gì để nô nức, vui đùa trong đêm Trung Thu và rồi khi lớn lên, các cháu sẽ không có gì để nhớ đến, tìm về...

VTH

Hội Ngộ Cao Thắng 2013

Hội Ngộ Cao Thắng 2013 sẽ được tổ chức tại Orange County, Nam California từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm vào ngày 4 tháng 7 năm 2013. Xin được giới thiệu với các bạn ban tổ chức buổi Hội Ngộ và bức thư ngỏ của Lâm Thanh Hùng, trưởng ban tổ chức.
Ban Tổ Chức buổi Hội Ngộ Cao Thắng 2013

Kính thưa thầy cô, các niên trưởng và các bạn đồng môn Cao Thắng thân mến,

Thời gian trôi qua như bóng câu qua cửa, không thương xót chờ đợi một ai nên anh chị em cựu học sinh Cao Thắng chúng em tình nguyện đứng ra tổ chức một buổi hội ngộ với một hy vọng nhỏ nhen là được các thầy cô, các niên trưởng và các anh chị em đồng môn dành ra vài ba tiếng đồng hồ tìm đến với nhau để hàn huyên tâm sự và ôn lại những ngày xưa dấu ái dưới mái hiên trường Cao Thắng thương yêu độ nào.

Dù thời cuộc có thăng trầm, lòng người có đổi thay thì may mắn thay cũng còn quanh ta những người có một tấm lòng và một tái tim đầy nhân bản. Họ vẫn trân trọng một tấm chân tình yêu thầy mến bạn. Một số chúng em đã có cơ may tham dự ngày hội ngộ vừa qua do các bạn đồng môn Cao Thắng ở San Jose tổ chức. Hơn ai hết chúng em đã cảm nhận như có thể cầm lấy được bằng chính đôi tay của mình một món quà linh thiêng gọi là tình yêu thương mà những người bạn có cùng một cội nguồn Cao Thắng trao mến gởi tặng nhau. Chúng em mong được tiếp nối truyền thống cao đẹp đó nên xin được thầy và bạn tiếp tay để có một kỳ tao ngộ khác. Bằng cách nầy hay bằng cách khác xin hãy trải lòng ra để tìm lại với nhau, trao tặng nhau những nụ cười thương yêu, thăm hỏi nhau bằng những câu nói ân tình. Hãy đến với nhau bằng nhịp tim Cao Thắng cao quí ngày vui cũ, hãy bỏ lại phía sau tất cả những gì không hài hòa ngăn cách.

Buổi hội ngộ Cao Thắng 2013 sẽ được tổ chức tại Orange County, miền nam California từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm vào ngày 4 tháng 7 năm 2013. Chúng em đang lập một chương trình, ngoài đêm chính vừa kể ra sẽ có thêm nhiều tiết mục vui chơi khác suốt một tuần lễ để mọi người từ xa về có dịp gặp gỡ thân mật. Chẳng hạn như đi thăm Disneyland, Little Saigon, Los Angeles, Legoland, Sea World, San Diego Zoo, San Diego, những cruiseship, những buổi lửa trại trên bờ biển Thái Bình Dương, vân vân. Các chi tiết chính xác xin được phổ biến sau.

Thưa thầy cô, niên trưởng và các bạn đồng môn,

Chương trình tổ chức có to lớn, rực rỡ, hào nhoáng tới đâu cũng chỉ là việc phụ; sự hiện diện của cô thầy, niên trưởng, bạn đồng môn với tấm chân tình thương yêu mới là việc chính. Cho nên chúng em là những thiện nguyện viên kính mong thầy cô, bạn hữu thu xếp thời gian tham dự ngày hội ngộ nầy.

Xin thầy cô, niên trưởng và bạn đồng môn ghé thăm trang nhà http://forum.caothang.org/ ghi danh hoặc để lại địa chỉ email. Có như vậy ban tổ chức chúng em sẽ liên hệ khi có tin tức mới.

Thay mặt ban tổ chức,

Lâm thanh Hùng

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

NẾU NHƯ..

Vậy là chúng mình đã vượt ngưỡng 50, cái tuổi mà Đức Khổng gọi là tri thiên mệnh. Tri thiên mệnh là biết mình hết vận, hết số... là chúng mình đã nếm trọn nợ đời. Thật vậy, chúng mình đã qua và thấm thiá với mọi hình, mọi loại của ngọt, bùi, sầu, khổ để hôm nay nhìn lại có những khoảng đời mà tự nhiên thở dài, nuối tiếc...
Nếu như đêm ấy đừng mưa
Thì anh không gặp, không đưa em về...
hay
Nếu như đừng đỗ bách khoa
Còn học Cao Thắng mình đà có nhau...

Nếu như ở đây thường được nghĩ đến khi mình chợt buồn phiền thấy cái mà có thể mình đã có nếu như số phận không dun dủi để mình phải như hôm nay. Nhưng những gì xảy ra đã là quá khứ mà quá khứ thì không bao giờ có thể thay đổi được. Mà dù nếu như có thể thay đổi được, chắc gì những việc xảy ra sau đó như mình mơ ước có tốt đẹp hơn? Không chừng mình lại có một kết qủa tệ hại, ê chề...
Nếu như đêm ấy trời mưa..
Đâu bị tai nạn phải cưa cái giò!
hoặc
Nếu như chẳng đỗ bách khoa
Ở nhà lêu lổng, sa đà hư thân!

Vậy thì tại sao mình lại mơ ước cái không thể và không chắc có nên không? Nếu mơ ước chỉ để rút tiả cho mình một bài học sau này thì e rằng chúng mình chẳng có thời gian hoặc cơ hội để thử nữa...

Theo tôi, tương lai là một ẩn số mà bài giải nằm ở hôm nay. Sao mình không sung sướng và vui với những gì đang có? Chẳng phải chúng mình may mắn còn đây, còn sức khoẻ, còn bạn bè chung quanh, còn những kỷ niệm đẹp, ấm áp trong nhau? Nếu như cần mơ ước, mình nên mơ ước giữ được những gì đang có trong tay để ngày mai vui, khoẻ, hạnh phúc hơn. Để bắt đầu, tôi xin được mơ ước..
Bạn bè Cao Thắng của tôi ơi
Nếu có thời gian với cuộc đời
Tôi sẽ miệt mài vun, trồng, tiả
Cho vườn xanh mát bạn đến chơi
VTH

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

KÝ ỨC TUỔI THƠ

Còn nhớ khi tôi buổi thiếu thời
Đến trường vào lớp chỉ mê chơi
Bạn trai không mến thương bạn gái
Vì thế ba năm lớp một ngồi
Thế rồi chinh chiến đến quê tôi
Xa quê bỏ lại thời thơ dại
 Bỏ lại nơi quê tuổi dại khờ
Giờ thì thỉnh thoảng ở trong mơ
Gặp cô bạn nhỏ thời thơ ấy
Lại thấy  thương yêu đến thẩn thờ
Thơ thẩn thầm thương thao thức mãi
Cứ thấy thương thương tuổi thiếu thời
NĐH

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

HỌP MẶT 09/09/2012


Như đã hẹn đúng ngày song cửu
Các thiên thần tề tựu về đây
Tiếng cười dòn dã chân mây
Xa nghe đã thấy đong đầy yêu thương


Ba mươi bẩy năm trường gió thoảng
Tình vẫn tròn như áng trăng xưa
Trao nhau mấy thuở cho vừa
Làn môi khoé mắt đong đưa suối tình

 

Ta với bạn in hình như một
Tuy là hai nhưng thốt chung lời
Chúng mình đâu phải đợi mời
Quý nhau tìm đến trao lời năm xưa


Giây phút cuối tiễn đưa vương vấn
Người ra về ta vẫn nhớ thương
Xa rồi còn lại chút hương
Lòng ta ngỡ tưởng như nường còn đây

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

CÁI HIẾU CỦA DÂN TÔI - Tập 3

Dân ta hiếu chiến hay hiếu hoà? Câu trả lời có thể là hiếu hoà nhưng nếu hỏi là dân ta lúc này nên hoà hay chiến thì câu trả lời khôn ngoan sẽ là tùy... Khôn ngoan bởi đó là câu trả lời lấp lửng. Tuỳ ở đây có thể nhìn ở hai góc độ: lý và tình. Về lý, dân ta cần có sức mạnh và tầm nhìn. Có sức mạnh để định đoạt chiến hay hoà. Tầm nhìn để thấy trước hậu qủa của nó. Về tình, dân ta phải có đạo đức để biết kềm hãm, không tranh giành cái không phải của mình và có nghiã khí để kẻ tham lam cái không phải của họ phải kiêng dè.
Sức mạnh dân ta
Xét về cái lý, như đã bàn, dân ta hiếu học vì danh vì lợi chứ không học để cho có kiến thức. Vì thế học mà không có thực học! Không có thực học, dân ta sẽ không có sức mạnh và tầm nhìn để định đoạt tương lai của mình. Thế còn cái tình thì sao? Ít ai để ý đến nó nhưng theo tôi, nó còn quan trọng hơn cả cái lý. Đây chính là cái dân ta cần có để tồn tại và phát triển. Đó là cái tâm tình, lễ nghiã, đạo đức, văn hoá, là hồn dân tộc. Dân ta có nó không? 

TẬP 3 – DÂN TÔI HIẾU NGHIÃ

Dân ta hiếu nghiã là điều ai cũng biết nhưng hiếu nghiã như thế nào mới là điều đáng bàn. Trước hết, nghiã có thể hiểu nôm na theo lối dân gian là tình nghiã. Với nếp sống quây quần vào gia đình, họ hàng và làng xóm dân ta thấy cần phải có một lẽ phải nào đó để giữ được mối giao hảo trong cuộc sống đầy chung đụng. Chính vì thế mà dân ta mới bảo nhau phải ăn ở làm sao cho có tình có nghiã. Tình nghĩa khởi xuất từ tình cảm nên không có quy định rõ rệt mà chỉ là do mỗi người tự cảm thấy. Rõ ràng xử sự thế nào cho vừa mình, vừa người mang tính chủ quan và rất phức tạp như đã được mô tả trong câu ca dao sau:
Ở cho phải phải, phân phân
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa


Các cụ nhà ta vì vậy đã cụ thể hoá chữ nghiã thành khí tiết hay lễ nghiã. Lễ nghĩa được quy tắc hoá trong cách xử sự của dân mình và đóng góp vào qúa trình hình thành nhân cách Việt. Nhân cách Việt có thể thấy nơi việc người Việt trọng lễ nghĩa, giữ đúng lẽ, đúng phép, hay theo lẽ phải. Và cái hay, cái đẹp cuả xã hội Việt có thể thấy được qua ngôn ngữ lễ phép, qua cách thế xã giao lễ độ, qua lối tổ chức theo lễ chế.

Là con người phải có lễ nghĩa. Một người thiếu lễ nghĩa được gọi là “ngợm”. Chúng ta hãnh diện gọi đó là văn hóa Việt, một yếu tố quyết định tương lai dân tộc. Chúng ta hiểu được tại sao 'cái nết đánh chết cái đẹp', cái nghiã khí của những anh hùng liệt nữ, của Lê Lai cứu chúa, của Trần Quốc Toản, Hoàng Diệu, Lê Văn Duyệt. Chính cái nghĩa này mới làm cho cái lễ phát huy được công năng của nó: làm con người có nhân cách, tức xứng đáng làm người.
Văn hoá Việt
Nghiã cũng có thể hiểu là đạo nghiã nơi dân ta có những quy tắc tôn giáo làm kim chỉ nam, thước đo đạo đức con người. Tuy nhiên, mỗi tôn giáo giảng giải đạo nghiã theo mỗi cách khác nhau. Nho giáo có ảnh hưởng lớn đối với dân ta nên được bàn đến ở đây nhưng nếu dùng giảng giải của các tôn giáo khác bạn cũng thấy sẽ có cùng hệ luận. Trong Nho giáo, đạo nghiã được phân ra cho người nam là tam cương ngũ thường và cho người nữ là tam tòng tứ đức. Khi chế độ phong kiến mất đi, vua không còn nữa tam cương ‘quân-phụ-phu’ trở thành ‘quốc-phụ-phu’. Một số trí thức sau đó đã tìm cách ‘canh tân’ Nho giáo và đổi ngũ thường thành tam thường ‘nhân-trí-dũng’ cho nam giới, tam tòng thành vô tòng cho nữ giới! Nói chung, ta Việt hoá đạo nghiã Nho giáo cho hợp với thời đại và khi Nho giáo chết đi quy tắc đạo nghiã này cũng chết theo.

Hôm nay dưới ảnh hưởng văn hoá Tây phương, thế hệ trẻ đang tìm cách thoát hẳn cái nghiã của xưa nay. Với họ, lễ nghiã, tình nghiã hay đạo nghiã là những quy tắc, giáo điều cần phải vứt đi! Nghiã ở đây là ý nghiã. Theo họ, sống phải cho có ý nghiã, thuận theo tự nhiên, là OK! Tự nhiên là không quy tắc, giáo điều. Lẽ tự nhiên cũng có thể được hiểu một cách thực dụng là tiền có thể sai xử hoặc đá đổ tất cả mọi điều.
Tiền là Tiên, là Phật
Là sức bật tuổi trẻ
Là sức khoẻ tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý
Đồng tiền là hết ý..
Sống cho có ý nghiã
Dân ta quả là hiếu nghiã nhưng cái nghiã được hiểu theo nhiều cách. Hôm nay cái nghiã được thực tế hoá thành ý nghiã. Chỉ có tiền cuộc sống mới có ý nghiã. Dân ta hiếu nghiã được hiểu là hiếu tiền, hiếu lợi. Suy ra dân ta hiếu học, hiếu hoà cũng là vì tiền, vì lợi. Điều đó chẳng đúng sao?
VTH