Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Mừng Đại Thọ Thầy Phan Văn Mão

Em ơi! Có bao nhiêu... 
Sáu mươi năm cuộc đời!

Câu hát này của Y Vân đã được sửa thành chín mươi năm cho xứng với thời đại nhưng câu hát ấy vẫn không xứng với thầy Phan Văn Mão của chúng ta. Quả vậy, ngày 30 tháng 6 vừa qua chúng tôi đã đến dự lễ mừng đại thọ sinh nhật tuổi 100 của thày!


Khi Thọ Bình đến vấn an và biếu thày món quà mừng đại lễ, thày nhận ra anh và hỏi:
- Anh em Cao Thắng có bao nhiêu ở đây? Thày đặt 50 chỗ - 15 chỗ cho anh em, đủ không?"

Câu hỏi đó làm tôi choáng: thày vẫn còn minh mẫn để tự mình tổ chức sinh nhật thứ 100.



Nếu sức khoẻ, tinh thần và tuổi thọ của thày là một sự ngưỡng mộ cho tất cả chúng ta thì sự ngưỡng mộ đó trở thành nhỏ nhoi khi được ngắm những kỷ niệm chương treo trên tường ở nhà thày. Vài tấm hình dưới đây cho thấy sự nghiệp và tâm huyết của thày đối với xã hội, trường học và quê hương.

 





Tôi đang ngơ ngẩn nhìn những kỷ niệm chương, bằng khen thì được gọi theo thày đến nhà hàng, nơi đó có thày Quốc, thày Kiệt và nhiều anh em cựu học sinh Cao Thắng của những khoá 1950. Thật ấm áp khi được ngồi giữa đại gia đình Cao Thắng và cũng thật tự hào khi nhận ra tình anh em cựu học sinh vẫn tràn đầy, xuyên suốt qua bao thế hệ.




Thày Mão khoẻ nhưng không còn đủ sức để đọc diễn văn oang oang như ngày xưa ở trường. Thày phải nhờ người con trai cả nói lớn lời thày cho mọi người cùng nghe.



Bữa tiệc kết thúc bằng chính thày cắt bánh sinh nhật thứ 100 và phân cho mọi người.


Chúng tôi ra về mà lòng còn lưu luyến. Thày đã và đang sống đầy cống hiến không chỉ cho trường Cao Thắng mà còn cho cả nền giáo dục nước nhà, đóng góp đầy nhiệt tình không chỉ cho xã hội trước 1975 mà còn cho cả quê hương hôm nay. Thày là niềm hãnh diện, là tấm gương sáng sống động cho anh em ta. Chúng tôi mong ước tấm gương đó sẽ còn sống với chúng ta trong nhiều năm nữa.


VTH

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Nhắc Nhau Ngày Hội Ngộ Cao Thắng 2013

Dù ai xuôi ngược đó đây
Nhớ ngày Hội Ngộ bạn, Thầy gặp nhau.
Dù nơi núi thẳm, rừng cao
Ngày 4 tháng 7,  rủ nhau cùng về
Dù ai xuôi ngược trăm bề
Đồng môn, bằng hữu câu thề sắt son.
Dù cho biển cạn, đá mòn
Áo Xanh Cao Thắng vẫn còn có nhau.
Dân Cao Thắng rất tự hào
Ngày vui Hội Ngộ bên nhau vẹn lòng
Cho dù cách biệt núi, sông
Mừng ngày Hội Ngộ về đông, về nhiều
Dù đời mưa nắng, sớm chiều
Đồng Môn Hội Ngộ là điều ước mơ
Mừng Hội Ngộ viết câu thơ
Ngày 4 tháng 7 đợi chờ Đồng Môn.

Hồng văn Thêm

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

CHƠI CHỮ NAM BỘ

Từ một thuở tầm dzông đi mở cõi
Đến một thời tầm dzuộc giữ non sông...

Dzô! Dzô! Nghe anh bạn nhậu rống lên hai câu thơ rồi kêu dzô, tôi cũng dzô dzui dzẻ với anh để rồi ngẫm nghĩ lại và giật mình với cái chơi chữ của dân Nam Bộ. Hai câu thơ này có lẽ nhái từ bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ:

Từ một thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...

Ở đây xin miễn bàn về cái hào hùng trong hai câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ mà chỉ xin bàn ở hai câu thơ nhái, đặc biệt trong sắc thái Nam bộ. Nó nửa đùa, nửa thật lại mang nhiều ý nghĩa để mỗi người tự suy tự diễn. Nó giống như bức tranh nghệ thuật kỳ bí dưới đây:

Bức tranh kỳ bí

Bạn thấy gì trong bức tranh này? Một thiếu nữ đang ngồi đọc sách hay mặt một nam nhân Tây Ban Nha hay cái gì khác nữa? Thấy gì tùy bạn! Tương tự như vậy, bạn hiểu câu thơ nhái thế nào tùy bạn. Bởi tôi đề ra hai câu thơ này, tôi xin được góp ý trước. Các bạn cho nhận xét của mình nữa nhé...

Trước hết, cái hay của hai câu thơ trên ở chữ dz của dân Nam bộ.  Chữ dzông và chữ dzuộc đều bắt đầu với chữ dz và có ý nghĩa giông giống nhau. Dzông là chuồn và dzuộc (vuột) là mất. Hai chữ đối âm, đối thể đó ráp lại với ba chữ sau chúng, nghĩa là 'dzông đi mở cõi' đối với 'dzuộc giữ non sông' thì không còn chỗ chê! Bạn hiểu thế nào?

Ngoài ra, chữ tầm trước hai chữ dzông/dzuộc còn có nghĩa là tìm, tỉ như trong câu  'ngưu tầm ngưu, mã tầm mã'. Vậy câu 1 có thể hiểu cha ông ta mở nước bằng cây tầm vông hoặc bằng cách tìm chỗ trốn đi và câu 2 có thể hiểu là con cháu hôm nay giữ bờ cõi bằng trồng cây tầm giuộc hoặc bằng cách tìm bỏ hết non sông!

Tôi nghe chua và chát, chua chát như vị trái tầm giuộc trong câu 2. Nếu ngẫm sâu hơn, cả hai cái tầm - tầm vông, tầm giuộc - đều là tầm phào, tầm xào, tầm bậy. Chẳng có gì tầm vóc, nói chi tầm nhìn!

Hình như văn hóa Nam Bộ đã thăng hoa lên một bậc, cao hơn và cũng cay hơn. Xin được dùng câu thơ Nguyễn Du tả trong Kiều để nói lên cái hay của chơi chữ Nam Bộ:

Rằng hay thì thật là hay..
Nghe sao ngậm đắng nuốt cay thế nào!

VTH

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

MƯA THÁNG 6



Chán nắng trời buồn đổ mưa ngâu
Dai dẳng từng cơn dấy tâm sầu
Mưa mãi, mưa hoài, mưa tháng sáu
Giận hờn giăng mắc, mắt ai sâu?

Ấm áp ngày xanh ta bên nhau
Mải vui tháng sáu đến giăng sầu!
Trách trời trưa đó mang mưa sớm
Hay trách người xưa gợi niềm đau?

Hãy trách người đi cho bớt đau
Lời xưa xin lỗi đã thay màu
Đau kia em giữ trong nhung nhớ
Giận hờn ta nhận mãi mai sau...

Âm vang một thuở chết trong nhau
Thơ ngây, trong trắng mối duyên đầu
Nâng niu, kính cẩn thờ ngôi báu
Năm tháng ngọc ngà in vết sâu

VTH

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

ĐÀ LẠT XƯA VÀ NAY

Tôi đến Đà Lạt lần đầu vào những năm 70 khi thành phố còn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Nét đẹp mơ màng của thành phố trong sương đã làm tôi mê mẫn. Không giữ được cảm xúc, tôi  quyết dạo quanh bờ hồ Than Thở dù lúc đó trời đã ngả chiều và chỉ còn chút ánh tà. Đi được nửa vòng tôi bắt đầu run lập cập. Vừa thấy nhà hàng Thủy Tạ, tôi ghé vào uống vội mấy ly cho ấm nhưng vẫn không chịu nổi cái lạnh thấu xương. Tôi đã không quên buổi tối đó.

Buổi chiều bên hồ Than Thở
Trở về khách sạn, cuộn mình trong chăn và nghe tiếng người mua bán giữa chợ đêm Đà Lạt tôi chợt nhận ra rằng tôi cũng như bao du khách khác đã lạc mình vào cõi mơ!

Chợ đêm Đà Lạt
Đà Lạt đẹp nhưng cái đẹp đó rất ngoại lai, dáng dấp của trời Tây. Đà Lạt chỉ đẹp với du khách. Bạn hàng chợ đêm cũng như những người dân lam lũ trồng cấy nuôi Đà Lạt chả bao giờ "lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ". Thật vậy, dân Đà Lạt lúc đó phần lớn là người dân tộc. Họ chiếm khoảng 80 phần trăm, đã và sẽ chẳng lắng nghe chiều xuống... Số còn lại cũng chẳng ai lắng nghe ngoài những ông Tây thèm cái lạnh Âu Châu và một ít người Việt trong giới thượng lưu có điều kiện để sống mơ màng theo Tây.

Nhà thờ Domaine de Marie ở trung tâm Đà Lạt
Tôi ghé Đà Lạt vài lần sau 75 nhưng đi theo tour, nghĩa là thăm qua loa những thắng cảnh theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Tôi không có dịp đi sâu vào thành phố. Lần này đi cùng bạn bè về sống với gia đình bạn ở Đà Lạt, tôi thấy được nhiều mặt của thành phố.

Trước 75, dân số Đà Lạt khoảng 80 ngàn nhưng người Kinh chỉ có 20 phần trăm, i.e. 16 ngàn người. Dân số Đà Lạt bây giờ hơn 200 ngàn, và người Kinh chiếm 97 phần trăm, i.e. khoảng 200 ngàn. Mật độ nhà ở dày đặc cùng với nhu cầu phục vụ khách du lịch đã làm mất đi  những rừng thông - vẻ đẹp hoang sơ của thành phố. Đà Lạt đã không còn lạnh như xưa. Tôi có thể đi khắp thành phố, kể cả trên đỉnh Lang Biang, với áo sơ mi tay ngắn không áo khoác, áo gió, áo lạnh!

Du khách đạp xe quanh hồ Than Thở

Nhà nghỉ phục vụ du khách trên đảo hồ Trúc Lâm
Đà Lạt bây giờ gần gũi với tôi hơn. Tôi có thể nhâm nhi ly cà phê trong cái se mát sáng sớm hay dạo bờ hồ buổi chiều mà không run lập cập. Đà Lạt vẫn đẹp nhưng cái đẹp ấy hòa quyện hơn và được nhiều người chiêm ngưỡng hơn.

Vườn hoa Đà Lạt
Tôi nghe nhiều than phiền, luyến tiếc những cái xưa của Đà Lạt, trong đó có ít nhiều đáng tiếc như thác Cam Ly đã cạn nước nhưng nhìn chung Đà Lạt đang đi đúng hướng, phát triển tự nhiên theo dân số mà vẫn giữ gìn các thắng cảnh khá hoàn mỹ.

Nhà thờ Domaine de Marie

Trên đỉnh Lang Biang
Đà Lạt đẹp quyến rũ với đầy đủ tiềm năng "tam tài". Thành phố hứa hẹn một tương lai tươi sáng mà tôi tin sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa.

VTH

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

NGÔI TRƯỜNG KỶ NIỆM - Phần 4

Vừa hết cầu thang
Tim đã rộn ràng
Bức tượng Cao Thắng
Một tay cầm súng
Một tay giữ gươm
Dáng đứng kiên cường
Làm anh lính gác!
Thời cuộc đã khác
Nhưng ông không màng...

Tượng Cao Thắng trên lầu đồng hồ
Dọc theo hành lang
Trước có ba phòng
Giờ được nối thông
Thành nhà Truyền Thống
Một cái bàn rộng
Ghế xếp xung quanh
Tượng bác bán thân
Trên nền cờ đỏ

Phòng Truyền Thống
Phòng đầy chứng cứ
Lịch sử hình thành
Đã hơn trăm năm
Của trường Cao Thắng
Rất nhiều hình ảnh
Sự nghiệp, văn bằng
Phong trào đấu tranh
Kháng chiến chống Mỹ
Danh hiệu cao quý
Lao động Anh Hùng
Huân chương Chiến Công
Độc Lập Hạng Nhất

Văn bằng tốt nghiệp năm 1930
Tất cả sinh hoạt
Trước năm 75
Nếu không đấu tranh
 Đều không được biết
Thật là đáng tiếc!

Cổng trường Cao Thắng hôm nay
Tôi yêu mái trường
Như yêu quê hương
Như yêu nòi giống
Yêu không tranh lấn
Yêu không giành quyền
Yêu bằng trái tim
Thiêng liêng thắm thiết
Tự nhiên gắn kết
Đương nhiên tự hào
Lẽ nào phải hỏi..
Ôi Cao Thắng! Ta sẽ tìm được gì của những năm xưa?

Cao Thắng bây giờ
Cũng của ngày xưa
Lớp sau kế thừa
Sao nỡ bỏ đi ?
Chốn xưa nơi cũ vẫn là...
Nhưng mà Cao Thắng của ta đâu rồi?
Ngậm ngùi muốn nói lại thôi
Nhưng lòng luyến nhớ một thời năm xưa!
VTH

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

NGÔI TRƯỜNG KỶ NIỆM - Phần 3

Vui sao còn đó...
Ngôi lầu đồng hồ
Tường vôi mái đỏ
Đậm nét hôm xưa

Lầu đồng hồ còn đây...
Mặc cho đổi thay
Hai kim vẫn quay
Đồng hồ vẫn chạy
Đón người hôm nay!

Lầu đồng hồ trong ngày Truyền Thống
Bước lên cầu thang
Ngó xuống sân trường
Nhớ thầy, nhớ bạn
Nỗi niềm mênh mang...

Tổng quan trường Cao Thắng hôm nay
Trải bao năm bước đường lưu lạc
Vẫn nhớ ngày nhập học đầu tiên
Bàn tay vung tát mấy em
Tạo nhiều ấn tượng mang tên 'tổng lùn'!

Thày ắt biết nhưng không trách cứ
Kỷ luật nghiêm vẫn giữ cho trường
Chẳng màng trò lúc lớn khôn
Có hiểu được tình thương thày tổng?

Niềm kính mến dâng lên thày Thống
Cùng các thày Hoằng, Lẫm, Hà, Nhâm...
Em xin ghi khắc trong tâm
Sống cho xứng đáng công ơn các thày

Thày Vũ Mộng Hà (đeo cà-vạt) và học trò tại cầu thang lầu đồng hồ năm 1960
Một thoáng bồi hồi
Bâng khuâng tiếc nuối
Kỷ niệm từng chuỗi
Ùa về trong tôi
Mộng ước chơi vơi
Buồn vui giăng lối...
Ôi Cao Thắng! Ta sẽ tìm được gì của những năm xưa?
VTH